(GD&TĐ) - Trong miền ký ức, hẳn ai cũng có những khoảnh khắc ấp ủ cho riêng mình. Với tôi, hình ảnh chén đậu hũ là cả một góc trời kỉ niệm, gợi lên cảm giác thân thương, như một phần máu thịt. Như một minh chứng, mỗi lần nhắc đến món ăn ngọt này là mỗi lần xao động, khơi gợi tên cô – người mà cả cuộc đời luôn truyền cho tôi ngọn lửa niềm tin, sức mạnh và bầu nhiệt huyết.
Tôi sinh ra trong thời kỳ bao cấp. Khi đó, hầu hết sinh hoạt kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hoá. Hàng hoá không được mua bán, trao đổi trực tiếp trên thị trường mà được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu. Để sở hữu sản phẩm được cung cấp, người dân phải xếp hàng rất lâu chờ đến lượt mình.
Ngày ấy, bom đạn đã thôi rơi, hoà bình vừa lập lại, thời buổi khó khăn nên bạn bè cùng trang lứa với tôi họa hoằn lắm mới được cắp sách đến trường. Cơ may duyên phận xen lẫn niềm sung sướng tột đỉnh tôi được đi học. Năm cuối bậc tiểu học, lần đầu được cô làm giáo viên chủ nhiệm (vì trước đó chỉ học với thầy giáo). Khỏi phải nói, tâm trạng tôi phấn khởi biết dường nào.
Cô không phải là cư dân bản địa, lại mới tốt nghiệp ra trường, được cấp trên phân công về vùng thung lũng cỗi cằn quê tôi dạy học, chưa có kinh nghiệm nên sẽ khó khăn trong việc bầu ra ban cán sự lớp. Trước khi tìm hiểu, tiếp xúc làm quen trò và nhập môn, cô đã làm một cuộc khảo thí để bình chọn người tài và tôi đã đăng quang ngay cái chức danh lớp phó học tập “oai phong, lẫm liệt”.
Mọi người thường nhận xét: Tôi học khá Toán, đánh cờ (vua, tướng) giỏi, không có khiếu văn chương, song lại say mê đọc và quý sách. Vì vậy, cô luôn miệng bảo tôi có tinh thần độc lập, trí nhớ linh hoạt và là “cây lôgíc Toán học”. Đáp lại, tôi đã nỗ lực không ngừng nghỉ để xứng đáng với những gì mà cô tin tưởng, giao phó.
Hồi ấy, chỉ còn vỏn vẹn mười ba ngày nữa là kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II, căn bệnh đậu mùa vào những ngày nắng nóng bùng phát khiến tôi khó chịu, đau đầu, vô cùng mệt mỏi. Sau đó, các vết chấm nhỏ màu đỏ ồ ạt xuất hiện khắp cơ thể tôi, nhất là vùng trán, vùng mặt rồi căng thành mụn nước, bắt đầu bong ra, gây nên sẹo. Thời điểm bấy giờ, ở làng tôi dịch bệnh này nhanh chóng lây lan và đã cướp đi mạng sống của nhiều người, khiến cả nhà tôi mất ngủ hoang mang, băn khoăn lo lắng trước số phận mong manh của cô con gái. “Cây toán” đã vắng mặt một ngày rồi lại hai ngày… Khi biết tin tôi bị ốm, cô vội vã đến thăm và mang kèm theo chén đậu hũ. Ngày thường, món quà quê tuy dân dã này nhưng đối với tôi là một thứ xa xỉ.
Cô nói: “Em là niềm tự hào của cô, hãy mạnh mẽ lên nhé”. Lúc ấy cô đã không ngăn được những giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt hao gầy. Suốt thời gian nằm trên giường bệnh, hầu như đêm nào cô cũng ở lại để chăm sóc, động viên; thậm chí còn giặt giũ cho tôi và thay mẹ đi chợ nấu nướng. Dòng đời vẫn chảy, năm tháng cứ trôi đi và chẳng thể một ai đủ lớn mạnh để níu kéo thời gian về thuở ban nguyên của chúng. Vâng! Nếu không có cô đồng hành, sẻ chia trong những tháng ngày ấy sức khoẻ tôi gần như kiệt quệ. Nhiều lúc bên cô, song không sao thổ lộ được những nghĩ suy tự trong thẳm sâu góc khuất trái tim này.
Mặc dù đã trưởng thành, đã trở thành cô giáo nhưng tôi không bao giờ quên được những ân tình xa xưa mà cô đã dành cho tôi. Bát đậu hũ, những giọt mồ hôi, những ánh mắt thân thương… của cô đã “vun xới” cho tôi thành người. Cho tôi gửi ngàn lời yêu thương tới cô, người giáo viên chủ nhiệm mà tôi trọn đời yêu mến.
Mã số: 2004