Lần đầu tiên, một nhóm các nhà khoa học ở Đại học Công nghệ Chalmers ở Goteborg (Thụy Điển) đã giới thiệu phân tử có khả năng tích trữ năng lượng Mặt trời. Phân tử được cấu tạo từ carbon, hidro và nitơ. Khi ánh sáng chiếu vào, phân tử biến thành “đồng phân giàu năng lượng”- cũng bao gồm những nguyên tử như vậy nhưng liên kết theo cách khác. Sau đó, chất đồng phân này có thể được cất giữ như là một chất lỏng, còn năng lượng lưu trữ sẽ được sử dụng muộn hơn rất nhiều.
“Năng lượng trong chất đồng phân này có thể dược cất giữ trong 18 năm. Khi chúng ta muốn khai thác năng lượng này, chúng ta sẽ trực tiếp nhận được nhiệt năng” – ông Kasper Moth - Poulsen, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết như vậy.
Hệ thống tiên tiến này có tên là Molecure Solar Thermal Storage (MOST). Ánh sáng bị chất lỏng trong bộ thu nhiệt mặt trời đặt trên mái nhà “tóm bắt”. Bộ thu nhiệt này sau đó tập trung ánh sáng vào một điểm. Chất lỏng được để trong nhiệt độ phòng nhằm tiết kiệm năng lượng và khi cần thiết có thể làm nóng chất lỏng này.
Hiện giờ, các nhà khoa học đã chế tạo được chất xúc tác giúp giải thoát năng lượng lưu trữ. Chất xúc tác này tạo ra phản ứng làm nóng chất lỏng đến 63 độ C, đồng thời cho phép tái sử dụng phân tử.
Toàn bộ hệ thống không gây ô nhiễm môi trường, có thể hoạt động liên tục suốt năm mà không có hạn chế.
Đến năm 2050, một nửa năng lượng thế giới có xuất phát điểm từ các nguồn tái tạo (gió và Mặt trời). Đến năm 2050 số tiền đầu tư cho khai thác năng lượng từ các nguồn tái tạo lên đến 11,5 nghìn tỷ USD.
Để các nguồn tái tạo trở nên phổ biến, cần phải tạo ra loại ắc quy mới. “Sự xuất hiện ắc quy giá rẻ có nghĩa là chúng ta càng sử dụng nhiều năng lượng từ Mặt trời hoặc gió” – ông Seb Henbest ở Công ty Truyền thông Bloomberg cho biết như vậy.