Một nhóm nghiên cứu của giáo sư Stuart Licht ở Đại học George Washington, Washington DC, Mỹ, thiết kế quy trình thu cacbon từ không khí và biến nó thành sản phẩm có giá cao hơn hẳn chi phí sản xuất. Kết quả nghiên cứu được công bố trong hội thảo của Hiệp hội hóa học Mỹ diễn ra đầu tuần tại thành phố Boston, bang Massachusetts.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, sợi nano cacbon có giá bán 25.000 USD/ tấn, nhưng với quy trình này, giá thành sản xuất chỉ vào khoảng 1.000 USD.
Quy trình này diễn ra trong một bình điện phân, cacbon lẫn với không khí sẽ được hòa tan và dẫn vào bình chứa lithium carbonate, một chất hóa học công nghiệp phổ biến. Sau đó, sợi nano cacbon hình thành dưới dạng mảnh giống như những sợi thép, phát triển từ các mẩu nickel, coban hoặc đồng cực nhỏ.
Gần đây, nhóm nghiên cứu đã nâng cường độ dòng điện để thúc đẩy sợi nano cacbon phát triển từ 1 lên 100 A. Dòng điện có thể lấy từ các nguồn thông thường nhưng Licht cũng khai thác thành công năng lượng Mặt Trời.
Nếu sản xuất trên quy mô lớn, quy trình này còn góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. "Theo tính toán với một diện tích đất chưa đến 10% kích thước sa mạc Sahara, quy trình của chúng tôi có thể lọc CO2 và đưa lượng cacbon trong không khí về mức trước cách mạng công nghiệp trong vòng 10 năm," Licht cho biết.