Ngăn ngừa từ xa học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật dịp Tết

GD&TĐ - Ngành Giáo dục và công an các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục để học sinh, sinh viên không vi phạm pháp luật...

Học sinh Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) được cán bộ công an tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) được cán bộ công an tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ảnh: TG

Đặc biệt ngăn ngừa tội phạm buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ dịp Tết.

Đảm bảo an ninh, an toàn trường học

Thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên, Nam Định) nhấn mạnh, từ tháng 9/2024, đơn vị thành lập Ban Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng chống tệ nạn xã hội trong nhà trường gồm 10 thành viên. Ban này có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học theo quy định.

Điều này nhằm huy động toàn thể lực lượng trong nhà trường tích cực tham gia phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với địa phương và gia đình học sinh. Chủ động phòng ngừa, phối hợp đấu tranh, trấn áp tội phạm trong học sinh và tội phạm bên ngoài xâm nhập vào trường học. Nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo thầy Hải, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm học của nhà trường. Trong đó chú trọng phổ biến các quy định của pháp luật về vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm như: An toàn giao thông; phòng chống ma tuý, tội phạm, cháy nổ, bảo vệ môi trường... và lồng ghép linh hoạt vào chương trình chính khoá theo quy định.

“Nhà trường đã cho học sinh ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, không đăng tải các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội; tuân thủ nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, không điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe; không tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng các vũ khí, vật liệu nổ, đặc biệt pháo nổ, đèn trời”, thầy Hà Văn Hải thông tin.

Nhấn mạnh vai trò của công tác ngăn chặn học sinh vi phạm pháp luật từ xa và sớm, cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) cho hay, nhà trường phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Hoài Đức và Công an xã Song Phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Mặt khác, trường đã tổ chức chuyên đề tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tới học sinh nhằm kiến tạo môi trường học tập an toàn.

Tại đậy, Thiếu tá Đỗ Minh Dương - cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Hoài Đức) chia sẻ tới học sinh một số điểm đáng chú ý trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 29/6/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Học sinh cần nhận thức được khái niệm về công cụ hỗ trợ; những tổ chức, cá nhân nào được phép sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

“Tình hình vi phạm các quy định về sử dụng pháo nổ dịp Tết Nguyên đán hằng năm càng đòi hỏi mỗi nhà trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Sự nguy hiểm của pháo nổ được nêu nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhà trường chỉ đạo giáo viên trao đổi, phối hợp với phụ huynh quản lý con em mình, tuyệt đối tuân thủ pháp luật, không buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ dưới mọi hình thức để đón Xuân an toàn, vui vẻ”, cô Huyền nhấn mạnh.

phong-ngua-tu-xa-1.jpg
Tham gia các hoạt động bổ ích sẽ góp phần giúp học sinh tránh xa các tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu. Ảnh: TG

Nhiều lực lượng vào cuộc

Với hơn 1.200 học sinh đang theo học, thầy Trần Văn Hanh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Hoa Lư (Ninh Bình) trao đổi: Tuyên truyền, giáo dục học sinh tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường mỗi năm học. Đặc biệt, việc phổ biến các quy định về pháo nổ dịp Tết Nguyên đán càng trở nên cấp thiết bởi những hệ lụy của pháo với sức khỏe con người.

Hằng năm, nhà trường phối hợp với Công an TP Hoa Lư và Công an phường Ninh Phong tổ chức nhiều chuyên đề ngoại khóa phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, an toàn phòng cháy, phổ cập bơi... Thời điểm cận Tết Nguyên đán, học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về không tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo nổ và các chất cấm khác. Phụ huynh học sinh cũng ký cam kết với tổ trưởng các địa bàn dân cư.

“Nhà trường còn kết hợp cùng công an phường, Đoàn thanh niên tiến hành kiểm tra đột xuất để đảm bảo không em nào mang vật bị pháp luật cấm tới trường. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và thống nhất trong chỉ đạo, đến nay trường chưa ghi nhận trường hợp học sinh vi phạm an ninh, an toàn trường học. Các em cũng nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật để bảo vệ chính mình và gia đình”, thầy Hanh thông tin thêm.

Sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo trái phép là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án, kịp thời đấu tranh và xử lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, Ban giám hiệu Trường THCS Tây Mỗ 3 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) quán triệt thực hiện nghiêm Nghị định 137/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo tới học sinh.

Cô Hiệu trưởng Vũ Thị Thìn nhấn mạnh: Không chỉ trong giờ sinh hoạt dưới cờ, giáo viên các lớp có thể lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng pháo nổ trong một số môn học/hoạt động giáo dục phù hợp. Từ đó, học sinh dần nhớ và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về cấm đốt pháo nổ, bảo vệ môi trường học đường an toàn. Các em cũng sẽ là những tuyên truyền viên tới người thân, bạn bè về chấp hành quy định của pháp luật.

“Chúng tôi cho học sinh ký cam kết không sử dụng, tàng trữ, mua bán pháo nổ trái pháp luật. Trường cũng lên kế hoạch tổ chức các hoạt động như đóng tiểu phẩm tuyên truyền về cấm đốt pháo; đặt các câu hỏi liên quan đến quy định cấm pháo nổ để học sinh cùng tham gia giao lưu. Đồng thời, tăng cường các sân chơi bổ ích khác để học trò được rèn luyện thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ nhằm tránh xa thói hư, tật xấu”, cô Vũ Thị Thìn cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ