- Ông đánh giá thế nào về những nội dung của Luật Giáo dục sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến?
- Nhiều năm nay, chính sách cử tuyển của Nhà nước đưa ra đã thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, đồng thời cũng khích lệ tinh thần học tập trong học sinh dân tộc, bảo đảm tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Tuy nhiên, các chính sách khi đưa vào thực hiện cũng còn những bất cập. Như việc thực hiện chế độ cử tuyển được quy định trong Luật Giáo dục 2005, còn chưa hiệu quả, cử tuyển không đúng đối tượng, chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của địa phương, nên sinh viên ra trường, không được bố trí công việc, gây lãng phí.
Kinh tế - xã hội đang ngày càng phát triển, giao thông không còn cách trở, khoảng cách vùng miền đã được rút ngắn. Ở nhiều địa phương vùng dân tộc ít người, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng đã có những chuyển biến và khởi sắc tốt đẹp. Tuy nhiên, thiếu cán bộ đang là vấn đề đặt ra, đặc biệt là cán bộ dân tộc ít người, cần phải có những điều chỉnh thích hợp để tạo nguồn phát triển của địa phương. Những sửa đổi của Luật đang hướng đến điều đó, công bằng, phù hợp cho từng đối tượng và tạo nền tảng phát triển.
Học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận với CNTT |
- Để tạo nguồn nhân lực cho địa phương, vấn đề cử tuyển rất quan trọng. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Chế độ cử tuyển cho người dân tộc đã và đang góp phần tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn có tình trạng bố trí nguồn nhân lực là đối tượng cử tuyển sau tốt nghiệp chưa hiệu quả, nhiều học sinh khi ra trường chưa có việc làm. Dự thảo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều liên quan đến thực hiện chế độ cử tuyển với những chi tiết sửa đổi cụ thế hơn, ràng buộc trách nhiệm tốt hơn, đã có những điều chỉnh phù hợp hơn.
Cụ thể, đã quy định đối tượng cử tuyển bao gồm 2 nhóm: Học sinh dân tộc rất ít người được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp và học sinh dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt được cử tuyển vào học các trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học. Quy định như vậy, đã đáp ứng đúng tình hình thực tế, ở khoản 5 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/11/2011 của Chính phủ về Chính sách dân tộc quy định rất rõ: “Dân tộc thiểu số rất ít người” là dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Hiện nước ta có 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, phân bố ở những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, chính sách đã bảo đảm tính công bằng và tạo nguồn theo đúng như mục đích, tiêu chí đề ra.
- Ông Đào Xuân Thắng – Trưởng ban Dân vận huyện ủy Tiên Yên
- Thời gian qua, đánh giá về cử tuyển, nhiều người cho rằng, trách nhiệm của địa phương phải lớn hơn. Là người trực tiếp làm công tác này, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Nội dung Dự thảo với những điều khoản sửa đổi, bổ sung đã cho thấy rất rõ tinh thần này. Như ở Điều 84: Giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương có trách nhiệm đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề phù hợp trên cơ sở quy hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của địa phương... để bảo đảm hiệu quả trong chính sách cử tuyển. Tôi cho rằng, đây là điều hoàn toàn hợp lý vì chỉ có địa phương mới biết và hiểu mình cần nguồn cán bộ thế nào.
Cũng như vậy, với yêu cầu địa phương phải có trách nhiệm trong việc cử người đi học theo đúng chỉ tiêu được duyệt và tiêu chuẩn quy định và quy định cơ sở giáo dục có trách nhiệm hỗ trợ cho người đi học theo chế độ cử tuyển yên tâm học tập, bảo đảm chất lượng đầu ra và việc người học theo chế độ cử tuyển được ưu tiên trong xét tuyển hoặc thi tuyển công chức, viên chức, là những ràng buộc trách nhiệm mới cao. Đặc biệt, luật hóa việc Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển, việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển, tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp, chắc chắn sẽ giúp việc thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.
- Cảm ơn ông!