Thi tốt nghiệp THPT nên giữ như Luật GD hiện hành
Góp ý về Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; Hiệp hội các trường ĐHCĐ Việt Nam đồng ý với quy định trong dự thảo Luật và có góp ý thêm:
Nên thêm nội dung: Bộ GD&ĐT quy định cụ thể quỹ thời gian dành cho phần cốt lõi của chương trình (phần chuẩn của chương trình) do Bộ chịu trách nhiệm xây dựng; quy định quỹ thời gian dành cho phần “mềm” của chương trình do địa phương xây dựng.
Nội dung này đưa vào đầu Khoản 4, Điều 30. Hai là, đề nghị bổ sung một khoản với nội dung: “Sách giáo khoa được xuất bản bằng tiền từ ngân sách nhà nước sẽ là sách giáo khoa mở, dù ở dạng in hay ở bất kỳ định dạng tệp điện tử nào” (tạm gọi 2a). Khoản này xin bố trí sau Khoản 2, Điều 30.
Về vấn đề thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, Hiệp hội đồng ý với phương án 2 mà Ban soạn thảo đề xuất là: Giữ nguyên như Luật Giáo dục hiện hành. Cụ thể, Khoản 3 Điều 32 của dự thảo Luật quy định như sau:
“Học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bằng tốt nghiệp THPT; được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nếu có nhu cầu”.
Đồng ý với quy định chính sách cử tuyển nhưng Hiệp hội các trường ĐHCĐ đề xuất: nên biên tập lại Điều 84 với các khoản sau: Về Đối tượng cử tuyển gồm: học sinh dân tộc thiểu số ít người; học sinh dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ công chức viên chức là người dân tộc thiểu số.
Về cơ sở nhận nhiệm vụ giáo dục, đào tạo cử tuyển bao gồm: Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp (nên thêm cả trường nghề) làm nhiệm vụ đào tạo đối với học sinh nêu ở Điểm (a), Khoản (1); (b) Các trường phổ thông DTNT làm nhiệm vụ đào tạo đối với học sinh nêu ở Điểm (b), Khoản (1). Đối với người học nên áp dụng theo Khoản 3 Điều 84 của dự thảo Luật: Người học theo chế độ cử tuyển được ưu tiên trong xét tuyển hoặc thi tuyển công chức, viên chức.
Nhiều chuyên gia đề xuất, bổ sung quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên |
Có cơ chế tuyển dụng sinh viên Sư phạm
Về phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, Hiệp hội đồng ý với hướng chỉnh sửa bổ sung của dự thảo Luật là: Bổ sung quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập. Vấn đề này cần phải sửa Luật Viên chức.
Sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên cho phù hợp với ngành giáo dục. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ quy định các nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Về quy hoạch mạng lưới, Hiệp hội lựa chọn phương án 2 mà Ban soạn thảo đưa ra. Nghĩa là phải có một điều về quy hoạch mạng lưới giáo dục phổ thông, trong đó chú ý tới hệ thống trường đào tạo giáo viên.
Hiệp hội các trường ĐHCĐ đồng ý với quy định về Kiểm định chất lượng giáo dục được nêu trong dự thảo luật. Cụ thể: Bổ sung khoản 1 Điều 108 để làm rõ về mục đích, vai trò của kiểm định chất lượng giáo dục; bổ sung thêm nguyên tắc kiểm định bình đẳng, bắt buộc và định kỳ vào Điều 109.
Bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 110 về việc giao Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, việc cho phép hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học; điều kiện và thủ tục để tổ chức kiểm định nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam (theo hướng tạo điều kiện và khuyến khích tổ chức kiểm định độc lập nước ngoài hoặc phi nhà nước ở Việt Nam).
Về kỹ thuật lập pháp, Ban soạn thảo cho biết, một số quy định của Luật Giáo dục năm 2005 và Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có sự không thống nhất, chồng chéo với các Luật đã ban hành có liên quan khác như: Luật Cán bộ,công chức, Luật Viên chức, Luật Thanh tra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ: vấn đề ngân sách đầu tư cho giáo dục; vấn đề tuyển dụng giáo viên, lương và phụ cấp của nhà giáo; vấn đề nhà giáo là công chức, viên chức; vấn đề ưu đãi thuế.
Nếu chỉ sửa Luật Giáo dục mà không sửa các đạo luật có liên quan thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) và thực thi Luật này. Do đó, hướng chỉnh sửa bổ sung là:
Phương án 1: Bổ sung 1 điều luật trong Luật Giáo dục sửa đổi gồm nhiều khoản để sửa các điều của các Luật khác có mâu thuẫn, cản trở việc thực hiện quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi);
Phương án 2: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan mà cản trở, mâu thuẫn với quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi). Từ những phân tích trên. Hiệp hội đồng ý Phương án 1 mà Ban soạn thảo đề xuất.
Về liên thông, Hiệp hội các trường ĐHCĐ đồng ý có sửa thêm. Khi sửa xin lưu ý: Liên thông giữa các cấp học phải căn cứ vào ISCED; Liên thông giữa các trình độ trong cùng một cấp học phải căn cứ vào khung trình độ quốc gia. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa quy định này vào vị trí thích hợp. Theo gợi ý của Hiệp hội nên viết viết thành một khoản, đưa vào Điều 8 của dự thảo Luật.