Chế độ chính sách cho giáo viên mầm non

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ xem xét có chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non đang hợp đồng theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015 đến nay chưa đủ điều kiện được xét tuyển. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cử tri phản ánh, ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ có Văn bản số 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước. Như vậy, khi thực hiện văn bản này, giáo viên đang hợp đồng theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg nhưng không đủ điều kiện xét tuyển sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động, dẫn tới các cơ sở giáo dục mầm non không đủ giáo viên đứng lớp.

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc hợp đồng lao động chuyên môn với viên chức nói chung (giáo viên mầm non nói riêng) được quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Việc xét tuyển đặc cách với giáo viên mầm non hợp đồng (có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT) thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên đã hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Bộ GD&ĐT đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang có ý kiến với UBND các cấp thực hiện nghiêm túc quy định và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Với giáo viên mầm non đã hợp đồng lao động nhưng không đủ tiêu chuẩn để xét tuyển dụng đặc cách, địa phương cần có giải pháp cũng như chính sách để bảo đảm an sinh xã hội cho đội ngũ này. Đồng thời, chỉ đạo, rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các trường, địa phương trong tỉnh, bảo đảm không xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ