Chế độ ăn có thể kéo dài tuổi thọ 10 năm

GD&TĐ - Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PloS Medicine cho thấy, tuổi thọ của chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ chế độ ăn uống. Theo đó, một chế độ lành mạnh có thể tăng tuổi thọ của người trung niên thêm 6 - 7 năm và người trẻ khoảng 10 năm.

Chế độ ăn nhiều rau củ và các loại hạt sẽ giúp con người khỏe mạnh và tăng tuổi thọ.
Chế độ ăn nhiều rau củ và các loại hạt sẽ giúp con người khỏe mạnh và tăng tuổi thọ.

Các nhà khoa học đã tập hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm nghiên cứu “Gánh nặng về Bệnh tật toàn cầu”, trong đó có thông tin về tình trạng sức khỏe người dân ở các quốc gia khác nhau.

Kết hợp những dữ liệu trên, các tác giả có thể ước tính tuổi thọ thay đổi ra sao nếu con người chuyển từ tiêu thụ các sản phẩm như thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đồ uống có đường sang tiêu thụ trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt…

Chế độ tối ưu

Từ những thông tin thu thập được, các nhà khoa học đã phát triển một chế độ ăn uống tối ưu để kéo dài tuổi thọ, sau đó họ so sánh với chế độ ăn uống điển hình của phương Tây.

Cái gọi là “chế độ ăn uống phương Tây” chứa một lượng lớn thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa béo, thực phẩm nhiều đường, bán thành phẩm… nhưng hầu như không có trái cây và rau quả.

Đổi lại, chế độ ăn uống tối ưu bao gồm một số lượng lớn các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu lăng), ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, lúa mạch và gạo lứt) và các loại hạt, cũng như ít thịt đỏ và thịt đã qua chế biến.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một người Mỹ, Trung Quốc và châu Âu tuân thủ theo một chế độ ăn uống tối ưu từ 20 tuổi tăng được tuổi thọ hơn 10 năm.

Trong khi đó việc chuyển đổi từ chế độ ăn của phương Tây sang chế độ ăn tối ưu ở tuổi 60 giúp tăng tuổi thọ thêm 8 năm. Đối với những người 80 tuổi, việc thay đổi chế độ ăn có thể tăng tuổi thọ của họ gần 3,5 năm.

Chế độ khả thi

Tiến sĩ Valter Longo, giáo sư lão khoa và khoa học sinh học tại Đại học Nam California chia sẻ trên Medical News Today: “Đầu tiên, chế độ ăn mà chúng tôi đề cập ở đây là một lối sống dinh dưỡng chứ không phải là một ‘chiến lược giảm cân’, mặc dù duy trì cân nặng hợp lý là điều quan trọng. Tất cả các khía cạnh của chế độ ăn uống đều có liên quan đến sức khỏe lâu dài và tuổi thọ”.

Do không phải lúc nào người ta cũng có thể thay đổi hoàn toàn chế độ ăn uống của mình, nên các nhà nghiên cứu cũng đã tính toán điều sẽ xảy ra nếu chuyển từ chế độ ăn phương Tây sang chế độ ăn “nửa chừng”.

Đó là sự kết hợp giữa chế độ ăn tối ưu với chế độ ăn phương Tây điển hình. Các nhà khoa học cho rằng, chế độ ăn kết hợp trên là khả thi, có thể tăng tuổi thọ của người 20 tuổi lên khoảng 6 năm ở nữ giới và hơn 7 năm ở nam giới.

Tuy nhiên, có một số yếu tố mà các nhà khoa học lưu ý. Để đảm bảo có được lợi ích của chế độ ăn mới đem lại, mọi người cần thay đổi chế độ ăn uống của mình trong vòng 10 năm. Hiện vẫn chưa rõ liệu người ta có thể kéo dài tuổi thọ hơn nữa hay không nếu thay đổi và duy trì được chế độ ăn uống tối ưu trong thời gian lâu hơn.

Nghiên cứu trên không tính đến tình trạng sức khỏe kém của các cá nhân trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ. Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của chế độ ăn đến tuổi thọ chỉ phản ánh giá trị trung bình và có thể khác nhau đối với mỗi người, tùy vào nhiều yếu tố khác như các vấn đề về sức khỏe hiện tại, di truyền và lối sống như hút thuốc, uống rượu và hoạt động thể chất.

Tuy nhiên, bằng chứng mà các nhà nghiên cứu đưa ra vẫn đáng tin cậy và được dựa trên nhiều bài báo khoa học đã nghiên cứu về vấn đề này. Những phát hiện của họ cũng trùng hợp với những phát hiện trước đây.

Theo đó, các nhà khoa học cho rằng, những cải thiện dù rất khiêm tốn nhưng lâu dài trong chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe, bao gồm nâng cao tuổi thọ.

Việc duy trì tiêu thụ các thực phẩm tươi, sạch sẽ giúp tăng cường sức khỏe.

Việc duy trì tiêu thụ các thực phẩm tươi, sạch sẽ giúp tăng cường sức khỏe.

Cơ chế hoạt động

Tất cả các cơ chế giải thích tại sao chế độ ăn uống có thể tăng tuổi thọ vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên, chế độ ăn uống tối ưu mà các nhà nghiên cứu xác định bao gồm các loại thực phẩm chứa chất chống oxy hóa.

Một số nghiên cứu cho thấy, những chất này có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa tổn thương tế bào – một trong những nguyên nhân gây ra lão hóa.

Mặc dù vậy, nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn đang được tiến hành nên chưa thể khẳng định liệu các chất chống oxy hóa mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày cùng thực phẩm có tác dụng tương tự hay không.

Ngoài ra, cần lưu ý về việc nạp chất chống oxy hóa, bạn cần phải duy trì sự cân bằng, bởi vì cùng với một số yếu tố khác, những chất này lại có thể góp phần làm lây lan ung thư khắp cơ thể.

Nhiều thực phẩm được đưa vào nghiên cứu trên có đặc tính chống viêm. Điều này có thể làm chậm sự khởi phát của các bệnh khác nhau và quá trình lão hóa liên quan.

Dĩ nhiên, có thể khó thay đổi hoàn toàn chế độ ăn của bạn nhưng sự ra đời của ít nhất một vài sản phẩm giúp tăng tuổi thọ có thể vẫn mang lại một số lợi ích.

Bên cạnh đó, áp dụng những thay đổi lâu dài trong chế độ ăn uống ở mọi lứa tuổi có thể làm tăng đáng kể tuổi thọ, tuy nhiên hiệu quả của nó sẽ dễ nhận thấy nếu các bước này được thực hiện ngay từ khi còn nhỏ.

Theo Rusvesna

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Phước) tham gia chương trình hướng nghiệp do Trường Đại học Gia Định tổ chức. Ảnh: M.Ngọc

Rút gọn phương thức tuyển sinh

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH dự kiến rút gọn số lượng phương thức tuyển sinh, chú trọng đánh giá năng lực đầu vào trong mùa tuyển sinh 2025 sắp tới.