Cháy nhà máy Rạng Đông: ‘Phát lộ’ việc xin chuyển đổi đất không thành

Trước khi xảy ra sự cố cháy nhà máy Rạng Đông, công ty này từng 2 lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất tại 87 - 89 Hạ Đình nhưng bất thành. Và công ty Rạng Đông không nằm trong diện di dời khỏi nội thành.

Công ty Rạng Đông đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 87-89 phố Hạ Đình (khu đất nhà xưởng nhà máy Rạng Đông vừa cháy) nhưng bất thành. Ảnh: Trần Thường
Công ty Rạng Đông đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 87-89 phố Hạ Đình (khu đất nhà xưởng nhà máy Rạng Đông vừa cháy) nhưng bất thành. Ảnh: Trần Thường

Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) vốn là doanh nghiệp nhà nước. Năm 2004, được cổ phần hóa theo quyết định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). 

Tháng 8/2015, Công ty Rạng Đông trở thành doanh nghiệp vốn tư nhân theo quyết định của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). 

Khu đất tại số 87-89 Hạ Đình (trước đây là 15 Hạ Đình, thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) có diện tích hơn 5,7ha do Công ty Rạng Đông quản lý, sử dụng theo quyết định cho thuê năm 2005 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2007. 

Mục đích khu đất được sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất bóng đèn phích nước và các sản phẩm phục vụ chiếu sáng (đất cơ sở sản xuất kinh doanh).

Liên quan đến khu đất này, được biết, tháng 5/2017, Công ty Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội cho phép lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đất 87 - 89 Hạ Đình.

Tháng 6/2017, UBND TP đã có văn bản giao Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục quy hoạch, lập dự án di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

Đến tháng 11/2017, Sở QHKT có văn bản nêu ý kiến việc lập quy hoạch cần chờ hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi bổ sung quyết định 09 và quyết định 86 của Thủ tướng Chính phủ đối với việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá.

Tháng 3/2018, Công ty Rạng Đông lại có văn bản đề nghị tiếp tục thẩm định, trình UBND TP.Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500.

Tháng 5/2018, Sở Quy hoạch Kiến trúc tiếp tục có văn bản đề nghị Công ty Rạng Đông liên hệ với các Sở Kế hoạch – đầu tư, Tài nguyên – môi trường, Tài chính thành phố Hà Nội để được hướng dẫn về biện pháp, lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành theo quyết định của Thủ tướng, và báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Cháy nhà máy Rạng Đông: ‘Phát lộ’ việc xin chuyển đổi đất không thành
Sau sự cố ô nhiễm môi trường cháy nhà máy Rạng Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới. Ảnh: Trần Thường

Sau đó, Công ty Rạng Đông đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch – đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đất 87-89 phố Hạ Đình. Trong đó công ty báo cáo là doanh nghiệp đã cổ phần hoá, không còn vốn nhà nước, đã đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 167 để tiếp tục tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch làm cơ sở thực hiện dự án di dời cơ sở sản xuất, chuyển mục đích sử dụng. 

Đến tháng 8/2018, Sở Kế hoạch – đầu tư có văn bản gửi Công ty Rạng Đông vẫn hướng dẫn công ty chủ động liên hệ với Sở QHKT để được hướng dẫn triển khai các thủ tục quy hoạch.

Cho đến thời điểm xảy ra sự cố cháy nhà máy Rạng Đông (ngày 28/8) thì việc điều chỉnh quy hoạch khu đất 87-89 phố Hạ Đình (khu đất nhà xưởng nhà máy Rạng Đông vừa cháy) chưa được thực hiện.

Không thuộc danh mục cơ sở ô nhiễm phải di dời

Đáng lưu ý, trong văn bản của Sở Kế hoạch – đầu tư gửi Công ty Rạng Đông vào tháng 8/2018 cho biết, đầu năm 2018 Ban Cán sự Đảng UBND TP đã có báo cáo trình Thành uỷ về việc thực hiện lập danh mục xác định tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực các quận nội thành. Trong tổng hợp khu đất số 87-89 Hạ Đình không nằm trong danh mục đã báo cáo. Như vậy, trong lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành đến năm 2020 của TP Hà Nội thì nhà máy Rạng Đông không nằm trong diện phải di dời.

Có thể thấy quá trình di dời nhà máy Rạng Đông gắn liền với quá trình điều chỉnh quy hoạch 1/500 và việc chuyển đổi mục đích sử dụng ô đất 87-89 của Công ty Rạng Đông. Công ty đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất nhưng bất thành.

Nhưng sau khi sự cố ô nhiễm môi trường cháy nhà máy Rạng Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới yêu cầu khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg, ngày 23/01/2015, của Thủ tướng Chính phủ. Lúc này, sự cố đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng nghìn hộ dân quanh nhà máy.

Và hiện nay một trong những vấn đề sau di dời dư luận đặc biệt quan tâm là giá trị cũng như mục đích sử dụng với khu đất 5,7 ha này.

Được biết, khu đất nhà xưởng của Công ty Rạng Đông đang sở hữu có 56.896m2 đất thuê 30 năm kể từ ngày 1/9/2004, 520m2 đất thuê hàng năm. Khu đất này thuộc phân khu đô thị H2-3, quy hoạch 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2015. Theo đó, khu đất 5,7 ha của Rạng Đông được quy hoạch là đất công cộng đơn vị ở, trường học, đất cây xanh và một phần chưa xác định.  

Cháy nhà máy Rạng Đông: ‘Phát lộ’ việc xin chuyển đổi đất không thành
Theo quy hoạch 1/2000 phân khu đô thị H2-3 được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2015, khu đất 5,7 ha của Rạng Đông được quy hoạch là đất công cộng đơn vị ở, trường học, đất cây xanh và một phần chưa xác định.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, khu đất 87-89 Hạ Đình nằm trong “thủ phủ công nghiệp” một thời của Hà Nội từ lâu được đánh giá là đất vàng, khi nằm ở một trong những khu vực phát triển nóng bất động sản thời gian qua. 

“Thủ phủ công nghiệp" một thời của Hà Nội với một loạt nhà máy nổi tiếng như: Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Cơ khí Hà Nội, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông… được đô thị hóa nhanh chóng. Phần lớn các nhà máy khu vực này đã được di dời, biến thành các khu đô thị.

Có thể kể đến như: Nhà máy cơ khí Hà Nội nay đã được xây dựng thành khu đô thị Royal City; Nhà máy xe đạp Thống Nhất được thay thế bằng dự án Thống Nhất Complex; Khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân trước kia là Xí nghiệp xe bus 10/10; Dự án TNR Goldseason rộng 2,2 ha trước kia là xí nghiệp Dệt Mùa Đông…

Mỗi căn hộ tại những khu vực này đang được bán với giá thấp nhất cũng hơn 30 triệu đồng/m2, nhiều lô liền kề, biệt thự có giá bán hơn 200 triệu đồng/m2.

Vì vậy, không ít ý kiến lo ngại rằng liệu quy hoạch đất công cộng, trường học có bị xê dịch nhường chỗ cho một dự án chung cư cao tầng sẽ “mọc” lên trên khu đất này? 

Di dời nhà máy Rạng Đông sang Bắc Ninh
Dù không thuộc danh mục di dời nhưng tại đại hội cổ đông Công ty Rạng Đông hồi tháng 5 vừa qua đã chuẩn y kinh phí, tiến độ di dời nhà máy sang huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh từ nay đến năm 2022 phải hoàn thành tiến độ."
Theo vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.