Sáng nay 9/9, trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Đậu Xuân Hoài - Phó viện trưởng Viện Hoá học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hoá học) cho biết, đơn vị đã có kết quả phân tích các mẫu vật lấy từ đám cháy ở nhà xưởng của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông).
Tuy nhiên, Viện Hóa học Môi trường Quân sự từ chối công bố kết quả do không thuộc thẩm quyền.
Thượng tá Đậu Xuân Hoài cho biết thêm, Viện đã gửi kết quả giám định lên Binh chủng Hóa học và chờ các bước chỉ đạo tiếp.
Cũng theo Thượng tá Hoài, mức độ ô nhiễm như vậy chắc chắn phải tẩy độc, còn tẩy độc theo phương pháp như thế nào thì sẽ phải chờ cấp trên chỉ đạo.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 5/9, Bộ Tư lệnh Hóa học đã cử lực lượng chuyên trách xuống hiện trường lấy mẫu về phân tích nồng độ ô nhiễm hóa chất do cháy nhà kho của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông).
Cụ thể, các cán bộ Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) đã lấy 25 mẫu đất, nước, bùn, tro xỉ, vữa tường, vỏ bóng đèn vỡ... từ đám cháy ở Công ty Rạng Đông đưa về phân tích tại phòng thí nghiệm.
Dựa trên kết quả phân tích, Bộ tư lệnh Hóa học sẽ xây dựng phương án thu gom xử lý các vật tư, hoá chất, tiêu độc ở khu vực bị cháy của Công ty Rạng Đông để thông qua các cơ quan chức năng.
Đánh giá về sự tham gia của Bộ Tư lệnh Hoá học, GS.TSKH Lưu Văn Bôi (nguyên Chủ nhiệm Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cho rằng việc này là cần thiết.
Theo GS. Lưu Văn Bôi, phần lớn thuỷ ngân trong vụ cháy đã phát tán vào không khí, còn lại đã ngấm xuống đất, nước ngầm nên việc xử lý sẽ mất nhiều thời gian và phức tạp. Bên cạnh đó, thuỷ ngân khi để trong môi trường, nhiệt độ lên cao có thể tiếp tục bay hơi, phát tán vào không khí, gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân.
"Bộ tư lệnh Hoá học đã có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các chất thải nguy hại, các hậu quả chiến tranh như dioxin, nên tôi tin kết quả phân tích các mẫu vật của đơn vị này là chính xác. Phương pháp xử lý tiêu độc như nào còn phải chờ Viện Hóa học Môi trường Quân sự đưa ra, tôi tin đơn vị này làm được" - GS.TSKH Lưu Văn Bôi đánh giá.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Chương Huyến - nguyên giảng viên cao cấp khoa Hóa học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) lại đưa ra cái nhìn lạc quan hơn, độ sôi của thủy ngân chỉ là 390 độ C, nhưng nhiệt độ đám cháy thời điểm đó khoảng 1.300 độ C. Chính vì vậy, lượng thủy ngân sẽ cháy và bốc hơi, phát tán ra môi trường hết.
"Khi cháy, lượng thủy ngân cháy rồi bốc hơi, phân tán theo gió đi khắp nơi. Sau đó, chúng tích tụ lại và rơi xuống ngấm vào đất, nước rải rác ở phạm vi rộng. Bây giờ, cơ quan chức năng cần làm bản đồ phân bố xem mật độ thủy ngân rơi xuống như thế nào" - PGS.TS Trần Chương Huyến cho biết.
PGS.TS Trần Chương Huyến cho biết thêm, ông đã nghiên cứu về thủy ngân 50 năm (từ năm 1963 đến 2013). Chính vì vậy, ông hiểu rất rõ về thủy ngân và cho biết, trong quá trình công tác ông đã từng gặp những sự cố 3-4kg thủy ngân lỏng rơi ra trong phòng thí nghiệm.
"Nếu trong phòng thí nghiệm mà để thủy ngân lỏng rơi ra thì sẽ phải xử lý bằng cách phun bột lưu huỳnh, vì thủy ngân với lưu huỳnh phản ứng với nhau rất nhanh thành thủy ngân sulfua (HgS) màu đen. HgS tuyệt đối không tan trong nước, do đó, nó rơi xuống thì quét gom lại là được" - PGS.TS Trần Chương Huyến nói.
Từ phân tích trên, PGS.TS Trần Chương Huyến cho rằng, người dân không nên quá lo lắng về ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy này. Lượng thủy ngân này phát ra môi trường (khoảng 30kg - pv) từ vụ cháy ở Công ty Rạng Đông so với thủy ngân ở các bãi đào đãi vàng thì "chưa ăn thua gì".
"Chúng tôi lên bãi vàng ở Bắc Kạn, nhìn thủy ngân ngược ánh sáng còn thấy màu tím. Một lần những người đào đãi vàng khuấy được khoảng 5kg thủy ngân ở trong cát, sau đó họ lấy cái bã còn lại cho vào chảo gang đun cho thủy ngân bay hơi hết đi để lấy cái cặn lại để xử lý hóa học để họ lấy vàng" - PGS.TS Trần Chương Huyến phân tích.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi lượng thủy ngân từ vụ cháy trên bốc lên không khí sau đó tích tụ rơi xuống có ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân không, PGS.TS Trần Chương Huyến cho biết: Thủy ngân rơi xuống sẽ tích tụ vào đất, nước; trong đất, nước có quá trình biến đổi vi sinh vật nên nó sẽ biến thành các hợp chất thủy ngân, các hợp chất khác nhau.
Nhưng quá trình phát tán thủy ngân này, PGS.TS Trần Chương Huyến cho rằng, nó chỉ là "độc trường diễn, chứ không phải độc cấp tính".
"Phát tán thủy ngân sau vụ cháy rồi rơi xuống đất, nước như vậy sẽ có ảnh hưởng đến môi trường sống, nhưng là độc trường diễn kéo dài chứ không phải cấp tính ngay.
Nhưng hiện nay có sự "vênh" giữa tiêu chuẩn của Mỹ và Canada hơi khác với WHO, WHO lại hơi khác so với Việt Nam. Do vậy, tiêu chuẩn thủy ngân vượt ngưỡng, hay không vượt ngưỡng đang rất "lủng củng".
Do đó, sau vụ cháy, cơ quan chuyên môn phải nói rõ các thông số nhiễm độc theo tiêu chuẩn nào, WHO hay theo tiêu chuẩn của Mỹ, Canada hoặc theo tiêu chuẩn Việt Nam" - PGS.TS Trần Chương Huyến nói thêm.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, qua kiểm tra thực tế cùng quá trình đấu tranh với lãnh đạo công ty, phía Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn so với amalgam.
Trước đó, công ty này báo cáo rằng 3 năm qua, Công ty Rạng Đông sử dụng hợp chất amalgam gồm thuỷ ngân, kẽm và bismut để thay cho thuỷ ngân lỏng trong sản xuất bóng đèn. Điều đó cho thấy vụ cháy nhà máy Rạng Đông ngày 28/8 không chỉ phát tán thuỷ ngân chứa trong amalgam mà còn có cả thuỷ ngân lỏng.
Cũng theo Tổng cục Môi trường, lượng thuỷ ngân lỏng phục vụ sản xuất trữ trong nhà kho lúc đó của Rạng Đông lên đến hơn 100 kg và theo tính toán của các nhà khoa học có đến 27,2 kg thuỷ ngân đã bị thất thoát ra môi trường.