'Chảy máu' nhân lực giáo dục vùng khó (bài cuối)

GD&TĐ - “Không tự lo được cho mình, lấy gì để cống hiến?” - Đó là lời gan ruột không dễ gì nói ra từ những người trong cuộc.

Giáo viên Trường Mầm non Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) hướng dẫn học sinh tập tô.
Giáo viên Trường Mầm non Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) hướng dẫn học sinh tập tô.

Bài cuối: Không thực… khó vực được đạo

Thực tế cũng chứng minh, không thể mãi lấy tình yêu, trách nhiệm để “giữ chân” thầy, cô ở lại với vùng khó!

Dư thừa khó khăn

Trường Mầm non Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) hiện có 18 giáo viên đứng lớp thì 10 người thuộc diện hợp đồng. Trong khi đó, trường có hơn 400 học sinh, với 10 điểm trường nằm rải rác ở 8 bản.

“Trước đây, khu vực này được gọi là vùng đất bị lãng quên. Giáo viên vào nhận nhiệm vụ như sống giữa ốc đảo. Vài năm gần đây, các điều kiện hạ tầng, đời sống bà con mới bước đầu được thay đổi. Song nhiệm vụ giáo dục vẫn ngổn ngang và hội tụ đầy đủ khó khăn đặc thù”, cô Bùi Thị Sáu, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường bộc bạch.

Năm học này, trường tiếp nhận thêm điểm bản Pa Tết, nằm cách trung tâm xã tới 40km. Giao thông hoàn toàn là đường đất xuyên rừng, ngược núi. Tại đây có 2 lớp ghép, với tổng số 55 học sinh. Giáo viên mỗi lần lên bản gần như mất liên lạc do không có sóng điện thoại, nước sạch, điện thắp sáng…

“Đường đi cheo leo và nguy hiểm nên mỗi lần 2 cô vào điểm bản là cả trường lo nơm nớp. Cách trở thế nên vài tháng các cô mới về trường trung tâm một lần. Khi phân công nhiệm vụ, chúng tôi phải trăn trở rất nhiều. Bởi hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, chứ chế độ đãi ngộ thì không có gì khác, ngoài sự động viên, khích lệ về tinh thần”, cô Sáu giãi bày.

Một giờ lên lớp của cô giáo Nguyễn Thị Thương, Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé).

Một giờ lên lớp của cô giáo Nguyễn Thị Thương, Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé).

Sau hơn 10 năm gắn bó với giáo dục miền núi, cô Nguyễn Thị Thương, Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) hiểu hơn ai hết khó khăn đặc thù. Cô là một trong hai trường hợp của nhà trường đang chờ giải quyết thủ tục xin chuyển vùng.

“Tôi nhớ như in những tháng ngày gắn bó với học sinh, bà con biên giới. Không biết bao nhiêu khó khăn, nước mắt đã để lại đây. Những ngày đầu nhận lớp, nhiều em còn không nói được tiếng phổ thông. Tôi phải dạy từ đi đứng đến chào hỏi, cầm bút; rồi bản thân học lại tiếng của bà con để có thể giao tiếp, thực hiện nhiệm vụ. Mỗi lần vượt một cung đường đèo dốc lại là 1 lần thót tim, đến nơi mới chắc chắn mình còn sống”, cô Thương nhớ lại.

May mắn hơn nhiều giáo viên khác, cô Thương tìm được một nửa của mình ở miền biên giới. Thế nhưng “tổ ấm” nhỏ cũng không vẹn toàn hạnh phúc khi phải “chia đôi sẻ nửa”. Vì hoàn cảnh, cả 2 con của cô đều gửi về quê cho ông bà chăm sóc. Cô sống trong đằng đẵng chuỗi ngày trăn trở và niềm thương nhớ đến thắt lòng.

“Với công việc, tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng lại là một người mẹ tồi. Cả 2 đứa con đều không thể chăm sóc. Rồi cũng vì cơ địa yếu, không vượt qua được thiếu thốn, vất vả ở đây mà tôi có tới 6 lần sảy thai, cướp đi quyền được sống của chính con mình”, cô Thương xót xa.

Giáo viên Trường Mầm non Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông) hỗ trợ nhau sửa xe trên đường đến điểm trường.

Giáo viên Trường Mầm non Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông) hỗ trợ nhau sửa xe trên đường đến điểm trường.

Thiếu chính sách

Hy sinh, vất vả gia tăng, song chế độ đãi ngộ lại không tỷ lệ thuận. Đơn cử như tại Trường Mầm non Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông), theo thống kê mức thu nhập bình quân của giáo viên khoảng 9 - 10 triệu đồng. Người cao nhất có thâm niên 17 năm là hơn 13 triệu đồng.

“Trường có 41 giáo viên, đa phần vào nghề khoảng 5 - 7 năm. Trước đó có phụ cấp thu hút nên thu nhập cơ bản đảm bảo, nhưng sau 5 năm công tác thì thu nhập sụt giảm. Trong khi đó, chủ yếu thầy cô ở xa trường, khoảng 50 - 60km. Nếu tuần nào cũng về nhà, chi phí xăng xe, phát sinh đi lại rất tốn kém. Còn không về thì thiếu thốn tình cảm gia đình”, cô Trương Thị Liên, Hiệu trưởng nhà trường phân trần.

Mặc dù hội tụ đủ khó khăn đặc thù, song thu nhập của giáo viên tại xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) lại thấp hơn nhiều so với khu vực khác. Thầy Phạm Quang Huy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, tâm sự: “Từ khi xã không còn là khu vực biên giới, nhiều chế độ, chính sách đối với giáo viên cũng cắt giảm. Đời sống giáo viên vốn khó khăn, nay lại càng chật vật hơn”.

Theo tính toán, trung bình thu nhập mỗi thầy cô tại Huổi Lếch giảm từ hơn 1 - 2 triệu đồng/tháng. Đơn cử, giáo viên hợp đồng hoặc mới công tác vài năm thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Những người vào từ năm 2015 cũng chỉ được 8 triệu đồng. “Thu nhập không đảm bảo cuộc sống nên xảy ra tình trạng giáo viên nghỉ việc, xin chuyển vùng nhiều”, thầy Huy cho hay.

Trường PTDTBT THCS Mường Nhé có tới 60% giáo viên dưới xuôi lên công tác. Theo chia sẻ của hiệu trưởng nhà trường, trước đây địa phương có chính sách cấp đất cho giáo viên ngoài địa bàn, nhằm tạo điều kiện để thầy cô ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

“Nhiều năm nay không còn chính sách này nữa. Thầy cô nào muốn mua đất, dựng nhà hoặc mua sắm xe cộ thì đa phần đều phải vay mượn. Với mức thu nhập chỉ đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt tối thiểu, giáo viên khó lòng có tích lũy. Chưa an cư được rất dễ nảy ra tâm lý dịch chuyển”, thầy Dương Tiến Công, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Nhé, cho hay.

Đánh giá việc thiếu cán bộ quản lý, giáo viên đã gây khó khăn rất lớn cho ngành trong việc bố trí nhân lực phục vụ các mục tiêu giáo dục. Song ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, cũng thẳng thắn cho rằng, thực trạng này còn gây áp lực rất lớn cho giáo viên, đặc biệt là ở bậc học mầm non. Có nhiều đơn vị chỉ đủ bố trí 1 giáo viên/lớp. Số lượng giáo viên phải tăng giờ, tham gia giảng dạy tại nhiều đơn vị, thường xuyên di chuyển xa là không ít. Tuy nhiên, ngân sách địa phương lại không đảm bảo để chi trả đầy đủ số giờ phát sinh.

“Về phía sở, chúng tôi chỉ biết tạo mọi điều kiện cho thầy cô và giải quyết chế độ kịp thời nhất có thể. Đồng thời tăng cường động viên, khích lệ tinh thần, mong muốn giáo viên chia sẻ với khó khăn chung của ngành. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng “có thực mới vực được đạo”. Bởi vậy, rất cần chính sách mang tính đặc thù, để đồng hành, sẻ chia với nhà giáo đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực đặc thù”, ông Nguyễn Văn Đoạt chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ