'Chảy máu' nhân lực giáo dục vùng khó (bài 2)

GD&TĐ - Ba năm triển khai Chương trình mới cũng là khoảng thời gian ngành Giáo dục Điện Biên đối mặt với thực trạng “chảy máu” nhân lực trầm trọng.

Thầy trò Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo).
Thầy trò Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo).

Bài 2: Gồng gánh lấp… khoảng trống

Số tuyển mới chưa kịp bù lấp thì người cũ lại lần lượt rời đi. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, từ đội ngũ giáo viên đến quản lý toàn ngành đều phải “gồng mình” xoay xở lấp khoảng trống mà họ để lại…

Vay giáo viên, mượn quản lý

Năm học 2022 - 2023, cô Lò Thị Bảy, giáo viên Tiếng Anh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông, huyện Tuần Giáo xin nghỉ việc. Mặc dù có 3 giáo viên dạy bộ môn này, song 2 thầy cô còn lại đã “quá tải” lịch đứng lớp. Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu chương trình mới đối với lớp 3, nhà trường phải mượn giáo viên Tiếng Anh từ xã Tỏa Tình sang.

Theo thầy Hiệu trưởng Mai Xuân Hà, để thầy giáo này có thể cùng lúc giảng dạy ở 2 địa bàn cách xa nhau, ban giám hiệu 2 đơn vị phải nhiều lần trao đổi. Dựa trên kế hoạch từng trường để thống nhất, sắp xếp phân công lịch phù hợp. Do 2 xã cách xa nhau gần 50km nên phương án đưa ra là học sinh Tênh Phông sẽ học Tiếng Anh nửa tuần đầu và Tỏa Tình nửa tuần cuối.

“Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch cứng. Còn thực tế, nhiều lần phải thay đổi lịch do tác động từ yếu tố khách quan. Kéo theo đó, kế hoạch nhà trường và các bộ môn khác buộc phải thay đổi cho phù hợp. Việc xây dựng thời khóa biểu các môn cũng “đong” theo từng tuần cụ thể”, thầy Hà giãi bày.

Tình trạng giáo viên phải “chạy xô” giữa các địa bàn diễn ra ở hầu hết địa phương của Điện Biên. Tại huyện Điện Biên Đông, theo thống kê từ phòng GD&ĐT, năm học 2022 - 2023, có 6 giáo viên Tiếng Anh phải thực hiện dạy liên trường.

Lớp ghép 1 + 2 tại điểm Tin Lán, Trường Tiểu học Núa Nam, huyện Điện Biên.

Lớp ghép 1 + 2 tại điểm Tin Lán, Trường Tiểu học Núa Nam, huyện Điện Biên.

“Giao thông đi lại khó khăn, nhiều xã vẫn còn đường đất, mùa mưa trơn trượt, lầy lội. Có những địa bàn cách nhau chỉ hơn chục cây số, song để di chuyển giáo viên phải mất vài giờ vật lộn trên đường. Vì thế trước khi bố trí, ngành đều tìm hiểu tình hình cụ thể của từng thầy cô để cố gắng cân đối, sắp xếp làm sao cho việc đi lại đỡ vất vả nhất”, ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông cho hay.

Còn tại Trường Mầm non Huổi Lếch (huyện Mường Nhé), sau hơn 1 năm hiệu trưởng nghỉ việc vì lý do cá nhân, ngành mới có thể bố trí người thay thế do thiếu nhân lực. Để đảm bảo công tác lãnh, chỉ đạo, suốt thời gian này (năm học 2021 - 2022), địa phương đã phải phân công ông Nguyễn Văn Úy, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm nhiệm phụ trách, điều hành.

Cùng lúc “gánh” 2 vai trò đều quan trọng, không thể tránh khỏi thiếu sót hoặc thiếu sự kịp thời. Trong khi xã Huổi Lếch nằm cách trung tâm huyện gần 40km, 1/2 chặng là đường cấp phối trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, ông Úy không thể có mặt thường xuyên tại trường, đặc biệt là vào mùa mưa. Các nhiệm vụ, vấn đề phát sinh đều được thông tin, báo cáo từ xa.

“Biết là bất cập, nhưng công tác cán bộ không thể trong ngày một, ngày hai, nhất là cán bộ quản lý. Ngành phải cân đối, rà soát trên toàn địa bàn, nhưng trong bối cảnh chung trường nào cũng thiếu nên hết sức khó khăn. Đến tháng 10/2022, phòng mới bổ nhiệm, điều động được một cán bộ từ xã khác sang làm phó hiệu trưởng phụ trách”, ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho hay.

Giờ học Tiếng Anh lớp 3 của cô trò Trường Tiểu học Thị trấn Điện Biên Đông.

Giờ học Tiếng Anh lớp 3 của cô trò Trường Tiểu học Thị trấn Điện Biên Đông.

Những khoảng trống khó lấp đầy

Mặc dù ở ngay trung tâm huyện Mường Nhé, song những năm gần đây Trường PTDTBT THCS Mường Nhé vẫn ghi nhận tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng. Thầy Dương Tiến Công, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm đều ghi nhận 1 - 2 trường hợp. Riêng năm 2021, có 4 thầy cô nghỉ việc, chuyển vùng.

“Trường hiện có 42 giáo viên đứng lớp, trong khi có hơn 1.000 học sinh (trên 600 em ở bán trú). Theo quy định, mỗi giáo viên dạy 17 - 18 tiết/tuần, nhưng trên thực tế thầy cô đều dạy trung bình 22 - 23 tiết/tuần. Mặc dù đã được tăng cường 3 giáo viên, song đội ngũ vẫn phải đứng lớp vượt khung mới đủ bù lấp”, thầy Công chia sẻ.

Không chỉ chật vật xoay xở bù lấp chỗ trống, theo thầy Công, điều đáng tiếc nhất là trong số nghỉ và chuyển công tác, nhiều người là giáo viên dạy giỏi các cấp. “Trường có 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và tỉnh thì nghỉ mất 3 người. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là đào tạo mũi nhọn”, thầy Công nói.

Cũng trong khoảng thời gian này, Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) ghi nhận gần 10 giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng. Chia sẻ của thầy Phó Hiệu trưởng Lò Văn Biên, phần đa trong số này có thời gian công tác từ 9 - 10 năm. Trong đó, có 3 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện.

“Chúng tôi vừa tiếp nhận đơn xin chuyển công tác của 2 thầy cô, 1 người là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 1 cấp tỉnh. Trong khi đó, để có 1 giáo viên dạy giỏi phải mất ít nhất 6 - 7 năm rèn luyện, đào tạo. Vì thế, mỗi trường hợp chuyển đi vô cùng đáng tiếc. Khoảng trống họ để lại không thể bù lấp trong 1 hay 2 năm”, thầy Biên tâm sự.

Mường Nhé là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là địa phương ghi nhận tình trạng “chảy máu” nhân lực lớn nhất thời gian qua. Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay: Từ năm 2020 đến nay, ngành ghi nhận 107 cán bộ quản lý, giáo viên xin thôi việc và chuyển công tác.

“Một năm chúng tôi chỉ giải quyết vào 2 đợt (cuối học kỳ I và cuối năm học), để không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy nên chưa có thống kê của năm nay. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, phòng đã tiếp nhận gần chục hồ sơ xin chuyển công tác”, ông Chùy thông tin.

Cũng theo ông Chùy, ứng phó với thực trạng này, ngành đã tham mưu với UBND huyện thực hiện hợp đồng với 46 giáo viên các cấp. Trong đó, có 26 giáo viên mầm non, 15 giáo viên tiểu học và 5 THCS. Triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành phải áp dụng giải pháp tình thế là cử 17 giáo viên các bộ môn đi bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cơ bản về Tin học để đứng lớp.

Về phía Sở GD&ĐT Điện Biên, đầu năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên Giám đốc sở thông qua truyền thông để kêu gọi sinh viên mới ra trường liên hệ ứng tuyển giáo viên. Đồng thời, sở cũng ban hành hàng loạt văn bản gửi các cấp kiến nghị không thực hiện tinh giản với đội ngũ giáo viên; đề nghị trường đại học phối hợp giới thiệu nhân sự, đào tạo nhân lực các chuyên ngành.

“Tuy nhiên, tất cả đều là giải pháp về lâu dài. Bởi công tác đào tạo, bố trí cán bộ không thể một sớm một chiều. Trong khi, nhiệm vụ giáo dục thì vẫn phải thực hiện hằng ngày. Ngành có thể thiếu giáo viên, nhưng học sinh không thể thất học. Bởi vậy, áp lực lại dồn lên những giáo viên còn lại”, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên nhìn nhận.

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Điện Biên thiếu gần 1.800 giáo viên. Trong đó, các môn chuyên biệt thiếu 211 người. Theo lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2023 - 2026, toàn ngành dự kiến tiếp tục thiếu hơn 2.200 viên chức vào năm học 2023 - 2024; năm học 2024 - 2025 thiếu hơn 2.500 người làm việc và năm học 2025 - 2026 hơn 3.100 người.

Bài cuối: Không thực… khó vực được đạo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...