Đáng chú ý là, bệnh cảnh của các trường hợp trên hoàn toàn khác so với bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột trước đây.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam (59 tuổi), sống tại thành phố Hưng Yên. Người nhà bệnh nhân cho biết, người này đã uống 6 gói thuốc diệt chuột dạng bột, do nhầm là ngũ cốc.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột kháng vitamin K. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc vào ngày thứ 3 sau khi điều trị ở tuyến dưới. Người này nhập viện trong tình trạng vô cùng nặng, rối loạn đông máu và tiếp tục được sử dụng thuốc giải độc.
Trường hợp khác là bệnh nhân nam (39 tuổi), sống tại thành phố Hà Nội. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân này có tiền sử rối loạn tâm thần. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng nôn khan, tỉnh táo, không co giật.
Theo lời kể của người nhà, trước đó, bệnh nhân đã uống 4 viên thuốc diệt chuột Storm. Loại thuốc này có hình dáng giống viên kẹo, màu xanh nước biển. Hiện, người bệnh được điều trị tích cực và sử dụng thuốc giải độc.
Chia sẻ về những ca bệnh này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, những năm gần đây, trung tâm tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới.
Thuốc diệt chuột thế hệ cũ cách đây 10 - 20 năm hầu hết được nhập lậu từ Trung Quốc. Khi uống vào, có thể gặp triệu chứng co giật, hôn mê, loạn nhịp tim. Loại thuốc này đã bị cấm và ít xuất hiện trở lại.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, các loại thuốc diệt chuột thế hệ mới gây chảy máu do kháng vitamin K. Những chất này gây độc, diễn biến âm thầm. Trong 3 ngày đầu, người bệnh biểu hiện bình thường. Sau đó, cơ thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như chảy máu răng, mũi, da, tiêu hóa... Một số trường hợp chỉ chảy máu nặng sau khi chấn thương, va chạm, hoặc các thủ thuật tác động qua da khi đi khám chữa bệnh (tiêm, chọc, tán sỏi…).
Điều đáng ngại là, nhiều bệnh nhân không thừa nhận từng uống thuốc diệt chuột. Vì yếu tố này, bác sĩ có thể dễ dàng nhầm lẫn sang các bệnh lý khác.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, thuốc diệt chuột thế hệ mới rất phong phú, đa dạng về hình thức, chủng loại, màu sắc, bao gồm: Dạng viên giống kẹo với màu xanh, hồng, đỏ, trắng; Dạng dung dịch giống siro hay dạng bột…
Người dân có thể dễ dàng mua các loại thuốc diệt chuột này ở cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hay xe bán hàng rong. Việc sử dụng không an toàn, tràn lan chính là nguyên nhân gây ra những trường hợp ngộ độc đáng tiếc...