Châu Phi: Nỗ lực cải thiện năng lực lãnh đạo các trường đại học

GD&TĐ - Các nhà tổ chức cho biết, chương trình đào tạo lãnh đạo kéo dài 4 năm dành cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và trưởng khoa của 54 trường đại học (ĐH) thuộc khu vực châu Phi đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ ba.

Nhờ chương trình đào tạo, các nhà lãnh đạo trường ĐH tại châu Phi có cơ hội khám phá tiềm năng của bản thân
Nhờ chương trình đào tạo, các nhà lãnh đạo trường ĐH tại châu Phi có cơ hội khám phá tiềm năng của bản thân

Tạo ra những lãnh đạo tài năng

Chương trình Nâng cao Năng lực Lãnh đạo tại các trường ĐH châu Phi, được Quỹ Mastercard tài trợ và do Hiệp hội Nghiên cứu Quản trị và Xã hội châu Phi (PASGR), cũng như Diễn đàn các trường ĐH khu vực về xây dựng năng lực trong nông nghiệp (RUFORUM) đứng ra tổ chức. Chia sẻ với truyền thông, những người tham dự khẳng định, chương trình này đã giúp họ nhận thức rõ hơn về tiềm năng và đặc điểm bản thân với tư cách là nhà lãnh đạo.

Tiến sĩ (TS) Anthony Egeru, Phó Thư ký điều hành của RUFORUM cho biết: “Các trường ĐH tại châu Phi cần biết rằng, điều gì cũng không thể thay thế sự thật là sự đổi mới và tiến bộ tại các cơ sở GD phụ thuộc vào tài năng của người lãnh đạo”.

Cũng theo TS Egeru, để khu vực châu Phi có được những trường ĐH chất lượng tốt thì các cơ sở GD đó cần có người lãnh đạo tài năng. “Vì vậy, cần có cách tiếp cận cẩn trọng trong việc đào tạo cũng như đưa chương trình cần thiết vào cơ sở GDĐH tại châu Phi”, TS Egeru nhấn mạnh.

TS Egeru cho biết, trong suốt những năm qua, cơ sở GDĐH luôn được coi là nơi phát triển những ý tưởng tuyệt vời. “Tuy nhiên, họ không có được sự tín nhiệm trong việc trở thành nơi biến ý tưởng thành hành động - điều sẽ giúp các cơ sở GD mang lại ảnh hưởng tới xã hội, chính phủ và môi trường trên toàn cầu”, vị TS khẳng định.

Dựa trên phản hồi từ một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 6 vừa qua, lãnh đạo các trường ĐH nhận định, các thành viên trong hội đồng nhà trường cũng nên được đào tạo, nhằm giúp cải thiện mối quan hệ giữa các nhà hội đồng quản trị và quản lý của cơ sở GD đó. “Họ cần hợp tác và đưa ra quyết định chung để cải thiện việc cung cấp dịch vụ trong cả hai lĩnh vực: Học thuật và hành chính”, TS Mitch Egeru chia sẻ.

Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát, các nhà lãnh đạo cho biết, nhờ khoá đào tạo, họ đã có thể tập hợp các cổ đông nhà trường một cách dễ dàng hơn, giúp chia sẻ tầm nhìn và cải thiện tiêu chuẩn trong giảng dạy cũng như kiểm tra, thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao năng lực của nhân viên cấp dưới.

Một hệ thống phức tạp

Sáng kiến nâng cao năng lực lãnh đạo được bắt nguồn từ một cuộc họp với sự tham dự của các phó hiệu trưởng trường ĐH, được tổ chức tại thủ đô Cape Town (Nam Phi) vào 4 năm trước. Tại Hội nghị thượng đỉnh GDĐH châu Phi lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2015 tại Cộng hoà Senegal, lãnh đạo của các cơ sở GDĐH tại khu vực này đã gặp không ít khó khăn khi phải cam kết, trường sẽ trở thành nơi xuất sắc trong giảng dạy; học tập, nghiên cứu; học bổng, dịch vụ công cộng và đưa ra giải pháp cho thách thức, cũng như phát triển cơ hội.

Giáo sư (GS) Tade Aina, Giám đốc điều hành PASGR và là cha đẻ của sáng kiến cho biết: “Lãnh đạo các trường ĐH không chỉ cần chủ động giải quyết các vấn đề phức tạp và mối quan hệ nội bộ, mà còn cả các tác nhân bên ngoài như: Biến đổi khí hậu, di cư, sự thay đổi chóng mặt của công nghệ và văn hóa. Chúng tôi bắt đầu sáng kiến này dựa trên nhu cầu quản lý của các tổ chức và nhìn nhận các trường ĐH là một hệ thống phức tạp trong thời đại thay đổi như hiện nay”.

Theo TS Beatrice Muganda, Giám đốc GDĐH tại PASGR, những vấn đề được xác định bởi các phó hiệu trưởng tại cuộc họp ở Cape Town bao gồm: Huy động nguồn lực, quản lý tuyển sinh, nguồn nhân lực già hoá, thách thức trong việc xây dựng và duy trì quan hệ đồng nghiệp và giải quyết xung đột. “Một số tác nhân bên ngoài như bộ lạc và chủng tộc được liệt vào những yếu tố gây khó khăn cho việc quản lý các cơ sở GDĐH”, TS Muganda nhận định.

Thư ký điều hành của RUFORUM, GS Adipala Ekwamu cho biết, chương trình này được thiết kế nhằm cho phép nhà lãnh đạo các trường ĐH “biến những cơ sở GDĐH tại châu Phi trở thành các cơ sở nghiên cứu và đào tạo một cách hiệu quả, với khuôn khổ và cơ chế mạnh mẽ để thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh”.

Cũng theo GS Ekwamu, nền tảng của khoá đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo là nhằm cho phép các cá nhân tự khám phá tiềm năng của chính bản thân mình, như điểm mạnh, điểm yếu và cách cải thiện bản thân.

Đại diện RUFORUM và PASGR chia sẻ, khóa đào tạo do Mastercard tài trợ này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và trưởng khoa được thoải mái chia sẻ, đối thoại và đưa ra phản hồi.

“Không ít hiệu trưởng thừa nhận rằng, việc trở thành nhà lãnh đạo khá khó khăn. Thậm chí, ý kiến của họ thường không được lắng nghe ở đúng nơi, đúng thời điểm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình biến ý tưởng thành hành động”, bà Muganda khẳng định.

Ngoài ra, GS Ekwamu nhận định, các nhà lãnh đạo cấp trung tại cơ sở GDĐH như giám đốc và trưởng phòng cũng nên được nâng cao năng lực.

TS Egeru, người đồng quản lý chương trình đào tạo và phát triển cộng đồng chia sẻ, RUFORUM đang hợp tác với các đối tác khác và đưa ra những chiến lược để có thể mở những khoá học nâng cao năng lực cho nhiều nhà lãnh đạo và quản lý trường ĐH hơn. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị RUFORUM cũng đã phê duyệt việc thành lập Học viện Nghiên cứu Chính sách và Nông nghiệp châu Phi, thực hiện đào tạo các nhà lãnh đạo tại châu lục này, bên cạnh việc nghiên cứu chính sách cho khu vực.

Phát biểu với truyền thông, TS Egeru cho biết: “Chúng tôi cũng đang xây dựng một đội ngũ mới, với mục tiêu sớm hoàn thành chương trình đào tạo các nhà lãnh đạo - một phần của quá trình chuẩn bị cho thế hệ quản lý các trường ĐH tiếp theo”.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.