​Châu Âu sẽ “tránh sang một bên” trong cuộc chiến tranh hạt nhân

GD&TĐ - Một tờ báo Thụy Điển cho biết, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và Mỹ, cư dân của các nước EU sẽ “tránh sang một bên”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tờ báo Thụy Điển đã trích dẫn kết quả khảo sát của Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế, theo đó 53-85% người châu Âu muốn giữ vị trí trung lập trong trường hợp chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga xảy ra.

Nhận xét về kết quả của nghiên cứu này, ông Mikhail Alexandrov, chuyên gia quân sự hàng đầu tại Trung tâm nghiên cứu chính trị quân sự MGIMO (Nga) lưu ý rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga, châu Âu sẽ biến thành chiến trường hạt nhân và EU đã nhận ra điều đó. Vì vậy, đa số người châu Âu không muốn trở thành “bia đỡ đạn” của Mỹ và họ sẵn sàng giữ vị trí trung lập.

Mối đe dọa về một cuộc xung đột giữa Nga và Mỹ đã trở nên nghiêm trọng sau khi hai quốc gia này lần lượt rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Khi Hiệp ước INF hết hạn, các chuyên gia và các chính trị gia đã nhiều lần thảo luận về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân giữa hai cường quốc.

Đặc biệt đáng báo động là cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình Tomahawk vào tháng 8 vừa qua của Mỹ. Được biết, tên lửa hành trình này được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất với phạm vi hơn 500km (khoảng cách trước đây bị giới hạn bởi INF).

Sau hành động này của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng Moscow đang tích cực nghiên cứu các biện pháp đáp trả đối với các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm trung của Washington.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng an ninh quốc gia Nga "sẽ được bảo vệ một cách vững chắc". Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng, nếu Mỹ không triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Âu và một số khu vực khác trên thế giới thì Nga cũng sẽ không làm điều này.

Một cuộc khảo sát mới đây được thực hiện tại Nga cũng cho thấy hơn một nửa số người dân được hỏi sợ chiến tranh hạt nhân ở một mức độ nhất định.

Theo Gazeta.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ