Châu Âu “mở cửa” đón Việt Nam

Châu Âu “mở cửa” đón Việt Nam

Đòn bẩy quan trọng cho kinh tế Việt Nam

Với kết quả 401 phiếu ủng hộ (63,3%), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA, mở ra một cánh cửa mới cho mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Hiệp định EVFTA sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng cho sự tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường có quy mô GDP lên tới 18.000 tỉ USD. Khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 85,6% số dòng thuế hàng xuất khẩu của Việt Nam, tương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Theo lộ trình, 7 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ tiến tới xóa bỏ lên tới 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Thuận lợi đan xen với khó khăn

Bình luận về những khó khăn và thuận lợi của Việt Nam sau khi EU thông qua hiệp định EVFTA, ông Lương Lê Minh - nghiên cứu sinh Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng, rõ ràng EU đã mở rộng cánh cửa đón Việt Nam gia nhập thị trường này. Trước hết, đó là việc khối này sẽ cắt giảm và xóa bỏ phần lớn các dòng thuế (99% các dòng thuế sẽ về mức 0 chỉ trong vòng 7 năm). Điều này tạo điều kiện lớn cho thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước Liên minh châu Âu.

Thứ hai, đó là các ưu đãi thuế quan đi kèm với các tiêu chuẩn phải tuân thủ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, đến điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động.

Có thể lấy ví dụ: Hải sản Việt Nam sẽ chỉ được hưởng những ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường EU, khi đảm bảo được những tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, có bằng chứng và cơ sở thể hiện rằng hải sản được đánh bắt trên các vùng biển hợp pháp của Việt Nam.

Các sản phẩm hải sản này cũng phải được chế biến trong các nhà máy mà công nhân được đảm bảo các tiêu chuẩn lao động quốc tế, theo cam kết Việt Nam - EU, và các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

“Có thể khẳng định rằng, sau khi Mỹ rút lui khỏi hiệp định TPP, thì EVFTA và EVIPA đã trở thành mối quan tâm chính của Việt Nam trong việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác kinh tế quan trọng của nước ta”, ông Minh cho biết.

Tuy nhiên, ông Minh cũng đặt ra vấn đề khó khăn của Việt Nam sau khi kí kết hiệp định. Theo ông, vẫn còn một chặng đường rất dài với cả hai phía. Trước hết, khác với EVFTA, EVIPA sẽ phải được phê chuẩn bởi Quốc hội/Nghị viện của từng nước thành viên EU, và quá trình này có thể sẽ kéo dài đến 3 năm.

Thứ hai, Việt Nam sẽ phải nhanh chóng hoàn thiện pháp luật nội địa để tương thích với khuôn khổ hiệp định. Việc thực thi pháp luật trên thực tế cũng cần được chú trọng, đặc biệt là trong các tiêu chuẩn lao động, và chống đánh bắt hải sản trái phép.

“Theo quy định của hiệp định, Việt Nam sẽ phải cho phép thành lập các tổ chức đại diện của người lao động nằm ngoài Công đoàn Việt Nam, đây là một vấn đề đã được nghiên cứu từ khi đàm phán TPP, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trên thực tế. Việc gỡ bỏ “thẻ vàng” của EU trong việc chống đánh bắt hải sản trái phép cũng đang là một trở ngại lớn của Việt Nam trong thực thi cam kết theo hiệp định” - ông Minh nhận định.

8 năm một chặng đường

Ngay sau có thông tin Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo về sự kiện này chiều tối ngày 12/2. Tại họp báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vui mừng cho biết, đây là kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa với Việt Nam và Liên minh châu Âu, hai đối tác chiến lược và toàn diện đã triển khai đàm phán ký kết hai hiệp định.

“Với việc thông qua tại Nghị viện châu Âu, mối quan hệ giữa Việt Nam và EU ngày càng toàn diện, là điểm nhấn mà hai nước đang có hướng về tương lai, với mối quan hệ đa phương, có ý nghĩa khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và dân tuý đang gay gắt. Liên minh châu Âu cũng đánh giá cao đối tác Việt Nam, toàn diện và tin cậy trong phạm vi Đông Nam Á và khu vực toàn cầu” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng tổng kết chặng đường 8 năm đàm phán thỏa thuận khó khăn, tưởng đã có lúc sụp đổ. Đây là 2 hiệp định có mức độ cam kết sâu rộng, vì thế quá trình phê chuẩn rất khắt khe và phải đảm bảo hiệu quả thực thi.

“Do vậy, quá trình chúng ta trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, giúp các nước thành viên EU và hơn 700 nghị sĩ EP hiểu về thực tế khách quan ở Việt Nam, nỗ lực cải cách và hội nhập của Việt Nam, phối hợp giải quyết những vấn đề cùng quan tâm là hết sức kịp thời và hiệu quả, được bạn đánh giá rất cao.

Hai ngày trước khi diễn ra bỏ phiếu về EVFTA và EVIPA như đã được thống nhất, EP còn buộc phải tiến hành bỏ phiếu về việc có hoãn lại cuộc bỏ phiếu thông qua hai Hiệp định hay không do sức ép và yêu cầu quyết liệt của một vài đảng và ủy ban của EP” - Thứ trưởng Sơn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.