Từ Hành lang Suwalki đến Cổng Focsani

GD&TĐ -Theo giới tướng lĩnh NATO, ‘Cổng Focsani’ sẽ là điểm đột phá của Nga, còn ‘Hành lang Suwalki’ sẽ là huyết mạch quyết định cục diện xung đột Nga-NATO.

Từ Hành lang Suwalki đến Cổng Focsani

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết, một số nước châu Âu đang nghiêm túc lên kế hoạch kịch bản một cuộc xung đột giữa NATO với Nga, mà trọng điểm trong đó là định ra các điểm, những khu vực then chốt mang tính chất quyết định đến cục diện cuộc chiến.

Các thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang căng não trả lời câu hỏi Lực lượng Vũ trang Nga có thể tạo ra “bước đột phá” ở đâu nếu Moscow quyết định tiến quân sang châu Âu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ Tổng tham mưu Pháp coi cái gọi là “Cổng Focsani” (Focsani Gate), nơi có bản đồ ba chiều do quân đội biên soạn, là đầu cầu quyết chiến của cuộc xung đột tương lai.

Focsani Gate là khu vực thuộc một phần lãnh thổ của Romania, nằm trong phạm vi khu vực các thành phố Briela, Galati và Focsani. Khu vực có diện tích (85 x 60) km này bao phủ một đoạn đường dài 100 km tiến vào Romania, nằm giữa các nhánh của dãy núi Carpathian phía Đông.

“Quân Đồng minh cần nắm chắc thông tin tình báo mới về khu vực nghi ngờ có giao tranh” - Đại tá Guillaume Schmidt chỉ huy đơn vị quân đội độc lập số 28 của Lực lượng Lục quân Pháp, đơn vị Pháp đang tham gia lập bản đồ đầu cầu này, tuyên bố.

Phía tây của Cổng Focsani là lãnh thổ hai quốc gia Moldova và Ukraine, có một điểm tiếp giáp trên biên giới 2 nước này, sẽ là điểm mà đối phương có thể tiến vào vùng này, xâm nhập sâu vào lãnh thổ Romania.

Khu vực này kết nối các quốc gia nói trên với Romania theo cách tương tự như Hành lang Suwalki (Suwalki Gap) ngăn cách Belarus với vùng lãnh thổ hải ngoại nằm bên bờ biển Baltic của Liên bang Nga là Kaliningrad.

2-suwa-ki-gap-focsani-gate-russia-nato-war.jpg

Suwalki Gap là một dải đất hẹp nối từ Belarus đến vùng Kaliningrad của Nga, thông qua lãnh thổ hai quốc gia NATO là Litva và Ba Lan, có chiều dài 65 km (40 dặm) được giới chuyên gia quân sự Nga coi là một trọng điểm cần phải chú ý, bởi việc kiểm soát nó sẽ giúp Nga phá vỡ thế cô lập của Kaliningrad, cắt đứt tuyến cung cấp của khối NATO cho vùng Baltic.

Kaliningrad nằm giữa lòng các quốc gia NATO ở châu Âu như Đức, Ba Lan, Litva nên về lý thuyết, vùng này hoàn toàn có thể bị phong tỏa ngay khi chiến sự bắt đầu nổ ra, nhưng Moscow sẽ không bao giờ cho phép khu vực này bị tách khỏi mình vì lý do lịch sử, chiến lược và danh tiếng.

Ngược lại, Moscow từ trước đến nay luôn coi vùng lãnh thổ hải ngoại này là quân bài chiến lược để đối phó với phương Tây, thậm chí còn được gọi là “cái dằm Nga cắm trong lòng NATO”, nên đã tập trung lượng lớn binh lực, vũ khí hiện đại để Kaliningrad thành một pháo đài thực sự.

Chúng ta hãy nhớ lại rằng, trước đó, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Kulpa đã bày tỏ lo ngại về khả năng quân đội Nga chiếm quyền kiểm soát “Hành lang Suwalki” để nối thông hành lang trên bộ với Kaliningrad.

Theo chính trị gia Ba Lan, trong trường hợp này các nước Estonia, Latvia và Litva sẽ bị tách khỏi phần còn lại của châu Âu; đồng thời, cả vùng Baltic và Ba Lan đều không thể chống trả hiệu quả với Lực lượng Vũ trang Nga do thiếu vũ khí và đạn dược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ