Hôm qua (1/12), Mỹ trở thành quốc gia mới nhất xác định một ca mắc Omicron trong biên giới của mình. Ca mắc Omicron đầu tiên ở Mỹ là một người được tiêm đầy đủ ở California. Người này từ Nam Phi về Mỹ ngày 22/11 và có kết quả dương tính 7 ngày sau đó.
Những câu hỏi chính về biến thể mới vẫn chưa được giải đáp. Hiện nó đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Canada, Anh, Áo, Bồ Đào Nha. Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất đã báo ca mắc Omicron đầu tiên vào hôm qua. Đây là quốc gia vùng vịnh thứ 2 sau Ả rập xê út.
Các dấu hiệu ban đầu cho thấy Omicron có thể dễ lây lan hơn các biến thể trước đó, gây lo ngại các hạn chế mới có thể cản trở sự phục hồi kinh tế dự kiến.
Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi cho biết dữ liệu dịch tế học ban đầu cho thấy Omicron có thể tránh được một số khả năng miễn dịch, nhưng các loại vắc xin hiện có vẫn có thể ngăn cản ca mắc và tử vong.
Tại Nam Phi, số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp đôi từ hôm 30/11 đến 1/12. Trong khi đó nhà dịch tễ học Maria van Kerkhove của WHO cho biết dữ liệu về khả năng lây nhiễm của Omicron sẽ có sẵn “trong vòng vài ngày”.
Giám đốc điều hành của BionTech cho biết loại vắc xin mà họ hợp tác với Pfizer sản xuất có khả năng cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nặng do Omicron gây ra.
Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Chủ tịch Ủy ban điều hành Liên minh châu Âu cho biết một “cuộc chạy đua với thời gian” để ngăn chặn biến thể mới trong khi các nhà khoa học xác định mức độ nguy hiểm của nó. EU đã đưa ra thông báo về việc bắt đầu triển khai vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi trước một tuần kể từ ngày 13/12.
“Chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, hy vọng điều tốt nhất”, bà Ursula von der der Leyen nói trong cộc họp báo.
Tuy nhiên, Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO Mike Ryan chỉ trích các nước phát triển đẩy nhanh việc tiêm vắc xin tăng cường cho một phần lớn dân số đã tiêm đầy đủ của họ trong khi những người dễ bị tổn thương ở nước nghèo chưa hề được tiêm phòng.
Hạn chế đi lại
Tính đến ngày 28/11, khoảng 56 quốc gia được cho là đã đưa ra các hạn chế đi lại để đề phòng Omicron lây lan – WHO cho biết. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonia Guterres chỉ trích điều mà ông gọi là “phân biệt chủng tộc về đi lại”
Theo WHO, các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn chặn được sự lây lan ra thế giới và chúng tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế. Tổ chức này cũng khuyến cáo những người không khỏe, có nguy cơ hoặc từ 60 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng nên hoãn việc đi du lịch.
Tại châu Á, nhiều quốc gia đã đưa ra những giới hạn về đi lại. Malaysia hôm qua thông báo sẽ tạm thời cấm nhập cảnh đối với du khách từ các quốc gia có ca mắc Omicron hoặc có nguy cơ cao. Họ cũng cấm đi lại đối với người từ 7 quốc gia miền nam châu Phi.
Indonesia cấm người nước ngoài từng đến Nam Phi, Namibia, Botswana, Lesotho, Mozambique, Eswatini, Malawi, Zimbabwe, Angola, Zambia, Hong Kong trong 14 ngày sẽ bị từ chối nhập cảnh. Công dân Indonesia từng đến các quốc gia nằm trong danh sách sẽ phải cách ly 14 ngày khi trở về.
Các quốc gia như Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan cũng đều có các động thái hạn chế đi lại để ngăn ngừa nguy cơ Omicron lây lan.