Chất vấn tại Quốc hội: Đi vào vấn đề căn cốt

GD&TĐ - Dự kiến, từ ngày 19/6 đến hết buổi sáng ngày 20/6, Quốc hội sẽ tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Dự kiến, từ ngày 19/6 đến hết buổi sáng ngày 20/6, Quốc hội sẽ tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính sẽ tập trung vào giải pháp về công tác tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, xác lập, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cơ chế, chính sách thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nội dung chất vấn sẽ tập trung vào các vấn đề như thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học gắn với yêu cầu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm; công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Có thể thấy, những vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này rất cụ thể, sát với thực tiễn, đồng thời gửi gắm thông điệp rằng, Quốc hội không chỉ quan tâm tới duy trì đà tăng trưởng mà còn đi vào những vấn đề căn cốt để tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong nhiều năm tới.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vốn luôn được xác định là quốc sách hàng đầu, gắn liền với tương lai của đất nước, nội dung chất vấn tiếp tục thể hiện rõ định hướng chiến lược của Quốc hội trong việc đặt con người vào trung tâm của sự phát triển.

Phát triển giáo dục không chỉ ở những quyết sách lớn, vĩ mô mà còn đi vào từng lớp học, từng bữa ăn bán trú cũng như mối quan hệ thầy - trò - phụ huynh.

Cũng bởi vậy mà tại cuộc làm việc với các cơ quan liên quan về công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh rằng, đây là dịp để các bộ, ngành “quảng bá”, báo cáo với cử tri và nhân dân những việc đã làm được, những việc đang làm, hiện tại và tương lai như thế nào.

Chất vấn là hoạt động giám sát tối cao hết sức quan trọng, có vai trò, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng như của các cơ quan hành pháp nên luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước.

Chất vấn cũng không phải là “bới lông tìm vết” mà là để chỉ ra được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, yếu kém để có giải pháp phù hợp, giúp các bộ trưởng, trưởng ngành điều hành, quản lý tốt hơn.

Cho nên, để có được phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành công, rất cần sự thẳng thắn, tâm huyết, không né tránh của các đại biểu Quốc hội và sự lắng nghe, cầu thị, dám nhận trách nhiệm, cũng như đưa ra lộ trình thực hiện các giải pháp giải quyết những vấn đề đang đặt ra của các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân.

Cũng bởi vậy mà tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sắp tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị các Bộ trưởng cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm đã đăng đàn trả lời chất vấn trước đây, trả lời đúng trọng tâm, thẳng thắn nêu rõ trách nhiệm và biện pháp khắc phục.

Cử tri và nhân dân theo dõi trực tiếp phiên chất vấn qua truyền hình, phát thanh sẽ “chấm điểm” Bộ trưởng, trưởng ngành có cầu thị, có thấy được những hạn chế của ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách hay không?

Cùng với đó, cần tập trung vào giải pháp thực hiện tới đây như thế nào - là vấn đề cử tri và nhân dân rất mong đợi. Cho nên, chúng ta phải làm hết trách nhiệm của mình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ