Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Thẳng thắn, cầu thị…

GD&TĐ - Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là một trong những điểm nhấn tại các kỳ họp của Quốc hội.

Theo phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu được đề nghị chọn hai trong ba nhóm, tương ứng với hai bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các nội dung về thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm; công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học…

Nhóm vấn đề hai thuộc lĩnh vực tài chính với nội dung dự kiến là giải pháp về công tác tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, làm mới động lực tăng trưởng cũ, xác lập, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.

Trong nhóm vấn đề này còn bao gồm nội dung về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); cơ chế, chính sách thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế… cũng là nội dung sẽ được chất vấn nếu lĩnh vực tài chính được lựa chọn.

Thứ ba là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, gồm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước, xây dựng chính quyền số; việc hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nâng cao kỹ năng số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; Cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quản lý Nhà nước.

Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng được ủy quyền sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.

Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là một trong những điểm nhấn tại các kỳ họp của Quốc hội. Bởi đây là hình thức giám sát trực tiếp, là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử cũng như quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan liên quan đối với những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Thông qua chất vấn, cử tri thấy được hoạt động của đại biểu Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng như của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Những vấn đề được đưa ra phân tích, “mổ xẻ”, giúp người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan liên quan - đối tượng chịu sự giám sát thấy được những mặt còn hạn chế thuộc trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành của mình. Từ đó trả lời các câu hỏi cụ thể như quan điểm thế nào? Khi nào thực hiện? Khi nào xong? Tại sao chậm, giải pháp thế nào, trách nhiệm ở đâu?

Tại Kỳ họp thứ 9 này, thời gian vật chất của phiên chất vấn và trả lời chất vấn được rút ngắn còn 1,5 ngày nhưng những vấn đề được lựa chọn đều có liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân, đến phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi vậy, yêu cầu đặt ra trong phiên chất vấn là các bộ trưởng, trưởng ngành phải thẳng thắn, cầu thị nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế. Sau phiên chất vấn cần chủ động, tích cực khắc phục những thiếu sót, tồn tại hạn chế đó.

Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì Kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.

Cho nên, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này sẽ là “mảnh ghép” quan trọng góp phần tạo nên thành công của kỳ họp. Đồng thời, thể hiện vai trò đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện, biến các cam kết, lời hứa thành hiện thực, tạo chuyển biến thực chất trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các nhà hảo tâm vận chuyển hệ thống điện năng lượng mặt trời đến tặng điểm trường Phia Cò 2 (Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng).

Gian nan bám điểm trường, làng bản

GD&TĐ - Vượt hơn 200km đến dạy học điểm trường Phia Cò 2 (Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng), cô Trương Thị Nga đã trở thành người của bản làng suốt 15 năm qua.