Chất lượng quan trọng hơn mức phí

GD&TĐ - Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi quy định thu phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cùng với việc giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, điều quan trọng hơn là phải cải thiện chất lượng quy trình cung cấp dịch vụ theo hướng đơn giản, dễ làm, dễ thao tác và có phản hồi đầy đủ.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi quy định thu phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Lý do là theo số liệu tại Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong năm 2022, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến đạt 35,62% (9,6 triệu hồ sơ được nộp trực tuyến/27 triệu tổng số hồ sơ dịch vụ công). Số lượng hồ sơ giải quyết theo hình thức dịch vụ công trực tuyến như vậy chưa nhiều, cần có chính sách khuyến khích sử dụng thông qua giảm phí, lệ phí.

Định hướng chính sách của Bộ Tài chính như vậy hoàn toàn hợp lý. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp đạt mục tiêu Thủ tướng đặt ra là đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%.

Để thực sự khuyến khích được người dùng, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư này, có hai điểm cần chú ý. Thứ nhất, loại dịch vụ công nào sẽ thuộc diện giảm phí, lệ phí? Rõ ràng, việc khuyến khích sẽ có hiệu quả, thực chất hơn nếu áp dụng với các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lớn và việc thực hiện trực tuyến với các dịch vụ này chưa phổ biến. Do đó, các dịch vụ công được lựa chọn để giảm phí, lệ phí cần đáp ứng 2 tiêu chí: Số lượng hồ sơ lớn và tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến thấp.

Thứ hai, việc giảm phí, lệ phí chỉ có tác động tích cực khi thu hút thêm người dân, doanh nghiệp sử dụng mới (bên cạnh những người sử dụng sẵn có). Vì vậy, nên thiết kế mức giảm mạnh trong thời gian nhất định để tăng độ hấp dẫn thay vì duy trì mức giảm “khiêm tốn” trong thời gian dài.

Chẳng hạn, như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc 2 mức: Miễn phí, lệ phí (giảm 100%) với các dịch vụ công có số lượng nộp hồ sơ trực tuyến rất thấp; giảm 50% phí, lệ phí với các dịch vụ công có số lượng nộp hồ sơ trực tuyến thấp.

Dịch vụ công trực tuyến ở một phương diện nào đó, có thể được coi là “sản phẩm” mới, cần “quảng bá” để thu hút người dùng mới. Do đó, Bộ Tài chính có thể cân nhắc phương án miễn phí cho người dùng mới, như một cách cho phép dùng thử sản phẩm.

Cách này sẽ giúp việc miễn, giảm đi thực chất vào việc kéo thêm người dùng, thay vì miễn, giảm cho toàn bộ người dùng, trong đó có một số người đã dùng dịch vụ trực tuyến sẵn rồi.

Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã triển khai quyết liệt dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ngày càng nhiều. Mặc dù vậy, sự bất tiện, khó dùng; tình trạng “nửa hiện đại, nửa thủ công” khi vẫn cần giấy tờ; nhiều khi chậm hoặc ít phản hồi… của dịch vụ công trực tuyến khiến người dân không mấy mặn mà.

Vì vậy, cùng với việc giảm phí, lệ phí, điều quan trọng hơn là phải cải thiện chất lượng quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng đơn giản, dễ làm, dễ thao tác và có phản hồi đầy đủ. Có như vậy mới thu hút được người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang cảnh Đại hội.

Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ Ủy ban Văn hóa và Xã hội

GD&TĐ - Chiều 11/5, tại Nhà Quốc hội, Đảng bộ Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đây là Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở đầu tiên của Đảng bộ Quốc hội. Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống LB Nga Vladimir Putin phát biểu với báo chí. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Tuyên bố chung về những định hướng lớn của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga trong giai đoạn hợp tác mới

Theo Đặc phái viên TTXVN, nhân dịp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Lễ Duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại từ ngày 8 - 11/5, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung.