Không thể xem nhẹ yếu tố đầu vào
Theo dõi tuyển sinh đầu vào của ngành sư phạm trong thời gian gần đây cho thấy tình trạng chất lượng lượng tuyển sinh không cao nếu không nói thấp ở mức báo động so với nhiều ngành nghề khác. Điều đó khiến không chỉ ngành Giáo dục mà xã hội lo lắng về chất lượng giáo viên trong tương lai.
Nâng cao chất lượng đầu vào của ngành sư phạm trở thành đòi hỏi tất yếu bởi nghề giáo luôn cần phải có người giỏi, người tài để đào tạo nên các thế hệ người giỏi sau này cho đất nước.
Có ý kiến cho rằng, điểm đầu vào của sinh viên trường sư phạm không cao nhưng sau quá trình đào tạo tốt trong trường sư phạm khi ra trường vẫn có thể trở thành giáo viên giỏi. Nhưng dưới nghiên cứu của các nhà nghiên cứu và quản lý sư phạm thì xác xuất tin cậy đối với những trường hợp này có nhưng rất thấp.
Cũng có thể có một số sinh viên có điểm đầu vào cao tuy không ở tốp đầu nhưng khi ra trường chất lượng tốt bởi khi học ở bậc THPT các em có hoàn cảnh khó khăn không được tiếp cận với các điều kiện học tập tốt hơn nhưng khi vào học đại học, các em được tiếp cận nhiều với những điều kiện học tập tốt và với năng lực nhận tốt sẽ phát huy được để có kết quả cao. Như vậy, những sinh viên có tư chất trí tuệ tốt, hứng thú với nghề sư phạm sẽ là đầu vào lí tưởng cho ngành sư phạm.
Trao đổi về sự quan trọng của yếu tố đầu vào, GS.Đinh Quang Báo - Nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Trường ĐHSP HN từng có một thống kê, tỉ lệ sinh viên nông thôn cao hơn sinh viên thành thị; Điểm đầu vào tốp đầu thường ít rơi vào số sinh viên ở nông thôn mà là sinh viên thành thị, tuy nhiên đầu ra có kết quả học tập tốt, đặc biệt thủ khoa tốt nghiệp thì phần lớn là sinh viên nông thôn. Điều đó cho thấy kết quả điểm thi đầu vào phản ánh được năng lực nhận thức thì điểm đầu vào cũng rất quyết định để trở thành sinh viên tốt.
Tìm lời giải bài toán chất lượng và thu hút
Rõ ràng chất lượng đào tạo của các trường sư phạm được cấu thành đồng bộ bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đầu vào rất quan trọng. Như vậy cần có một chuẩn đầu vào riêng ở mức cao cho sư phạm để khi nhận “nguyên liệu” ấy mới có thể đào tạo cho ra trường một đội ngũ giáo viên tốt.
Cũng theo GS Báo, trong hoàn cảnh ít học sinh giỏi có nguyện vọng vào sư phạm thì vẫn nên lấy học sinh từ tốp khá trở lên (Ít nhất học sinh phổ thông phải có học lực từ khá trở lên. Điểm thi trung bình mỗi môn phải từ 6 - 7 điểm. Và tổng điểm phải từ 18 - 20 điểm thì mới chấp nhận được).
Điểm đầu vào thấp không nhất thiết đào tạo. Thời điểm này các trường sư phạm có thể làm điều đó bởi giáo viên hiện nay không thiếu về mặt số lượng như những năm 60, 70. Giờ đây không phải là lúc các trường phải chạy theo số lượng đào tạo mà phải là chất lượng đào tạo.
Đối với lời giải cho vấn đề thu hút học sinh vào ngành sư phạm, các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục đều khẳng định cần có chính sách thu hút hấp dẫn để học sinh quyết định lựa chọn sư phạm là trường học, ngành học sau khi rời ghế THPT.
Trong thực tế cho chúng ta thấy, điểm đầu vào các trường sư phạm từ trước đến nay nói chung không thuộc diện tốp đầu bảng. Ngay cả những năm khó khăn thiếu giáo viên nhất thì nghề sư phạm cũng chưa bao giờ là nghề “hot”. Tuy nhiên những năm từ 1996 - 2005 đầu vào sư phạm có sự bứt phá hơn về điểm đầu vào bởi tác động của việc miễn học phí, tỷ lệ học bổng tăng lên. Có thời điểm, để đỗ vào khoa Toán (trường ĐHPSP) sinh viên phải đạt được 27 điểm, khoa văn 25 điểm và tối thiểu học sinh phải đạt 7 điểm mỗi môn mới đỗ vào sư phạm.
Mặt khác, khi đó sinh viên sư phạm ra trường cũng dễ dàng tìm việc làm chứ không “ế ẩm” như hiện tại. Như vậy, với điểm đầu vào cao nhưng vẫn thu hút được học sinh thì đây không phải là sự ngẫu nhiên mà chắc chắn có được bởi tác động của chính sách hấp dẫn với sư phạm.
Theo GS Đinh Quang Báo vào thời điểm hiện nay có 2 yếu tố quan trọng để có thể thu hút học sinh thi vào ngành sư phạm đó là: Ra trường có có việc làm ngay và lương cao. Tuy nhiên trong thời điểm này khi nhà nước còn khó khăn về kinh phí chưa thực hiện được cả hai vấn đề trên cùng lúc thì chí ít cũng phải có chính sách đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm đúng nghề ngay. Như vậy chúng ta sẽ lấy được học sinh từ khá trở lên. Nếu không có những yếu tố thu hút hấp dẫn thì sẽ khó thu hút được nhân tài đến với ngành sư phạm.