Chọn SGK lớp 2 và lớp 6: Cần giai đoạn thực nghiệm

GD&TĐ - Ngành GD-ĐT tỉnh Điện Biên đang nỗ lực triển khai lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có giai đoạn dạy thực nghiệm để “nhặt sạn” trước khi đưa SGK mới vào giảng dạy.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có giai đoạn dạy thực nghiệm để “nhặt sạn” trước khi đưa SGK mới vào giảng dạy.

Không ít nhà quản lý và giáo viên đứng lớp mong có giai đoạn dạy thực nghiệm để có bộ sách “tròn trịa” cũng như phương pháp dạy phù hợp trước khi đưa vào giảng dạy.

Hoàn thành chọn sách

Đến thời điểm này, các trường học đã thực hiện xong việc lựa chọn những bộ SGK mình mong muốn đưa vào giảng dạy, gửi danh sách tổng hợp về phòng GD&ĐT.

Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn vì khung thời gian nghiên cứu SGK được xây dựng chưa đủ để có thể đưa ra quyết định thấu đáo.

“Chúng tôi được nhà trường tạo nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia nghiên cứu SGK điện tử, các buổi tập huấn. Song tôi nghĩ trong khoảng thời gian ngắn như vậy khó có thể đọc, hiểu từng bài của từng bộ SGK. Vậy nên qua nghiên cứu thấy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có nhiều bài học hay, phù hợp với học sinh của mình thì chúng tôi chọn”, cô Lò Mai Hương - giáo viên Trường Tiểu học Thanh Hưng, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên chia sẻ.

Sau khi có văn bản chỉ đạo của sở GD&ĐT, Trường Tiểu học Thanh Hưng khẩn trương thành lập Hội đồng chọn SGK. Trong đó huy động 10 giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm tham gia hội đồng chọn sách. Quan điểm của nhà trường, chọn SGK phải phù hợp với học sinh, phù hợp với đặc điểm vùng miền. Đồng thời, SGK phải dễ dạy, dễ hiểu. Sau thời gian nghiên cứu các bộ SGK được giới thiệu, đơn vị này đã quyết định chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. 

Chuẩn bị cho việc lựa chọn SGK, Trường PTDTBT THCS Trung Thu cũng đã chuẩn bị khá chu đáo. Thầy Ngô Sơn Ngân - Hiệu trưởng cho biết; Trường tham gia buổi hội thảo trực tuyến với các nhà xuất bản của 3 bộ SGK gồm: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Chúng tôi được nghe giới thiệu, nghiên cứu qua bản điện tử. Trường họp và phân công thành viên tham gia lựa chọn SGK. Trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn, các thành viên có trao đổi, thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn cuốn/bộ sách mình ưng ý nhất.

Một buổi học của học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Một buổi học của học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Dạy thực nghiệm để “nhặt sạn”

“SGK mới nên giáo viên và muốn trải qua giai đoạn dạy thực nghiệm để trải nghiệm thực tế, đúc rút kinh nghiệm, tránh được những hạt sạn không đáng có”, thầy Trần Văn Xuyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Hưng chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Ngô Sơn Ngân cho biết: Giáo viên chọn sách theo kế hoạch thời gian. Để thực sự hiểu từng bài, cuốn sách, cần thêm thời gian nghiên cứu, tìm ra phương pháp phù hợp ứng dụng vào thực tiễn.

Để lựa chọn SGK lớp 2, Trường Tiểu học Trung Thu, huyện Tủa Chùa đã thành lập hội đồng chọn sách gồm 13 người. Trong đó, có 10 giáo viên bộ môn, 2 người trong Ban giám hiệu nhà trường và 1 người đại diện cha mẹ học sinh. Những giáo viên tham gia chọn sách đều phải kiêm nhiệm việc giảng dạy, vừa nghiên cứu, tham gia tập huấn. Họ chỉ được ưu tiên miễn giảm các hoạt động tập thể như: Lao động, vệ sinh trường học.

Theo thầy Phạm Hữu Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thu, tham gia lựa chọn sách đều là giáo viên chủ nhiệm. Những buổi thầy cô đi nghiên cứu sách và lựa chọn sách, chúng tôi bố trí người khác dạy thay tạm thời chứ không thể cho nghỉ hẳn được. Do vậy, thầy Thành mong muốn SGK trước khi đưa vào giảng dạy thực tế, tốt nhất là phải qua giai đoạn dạy thực nghiệm.

“Giáo viên trực tiếp giảng dạy, học sinh cũng được tiếp cận sẽ phát hiện ra các vấn đề, nội dung chưa phù hợp. Thầy cô cũng có thể trao đổi phương pháp dạy hợp lý sau giờ dạy thực nghiệm”, thầy Thành nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ