Chắt chiu lo Tết ấm

GD&TĐ - Chỉ còn chưa tới 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thời điểm này, song song với công tác dạy học, chuẩn bị kết thúc học kỳ I, các trường học trên cả nước đồng thời khẩn trương xây dựng chế độ chăm lo Tết cho giáo viên và người lao động.

Những năm trước khi chưa có dịch bệnh, hầu hết địa phương đều có chính sách chăm lo Tết cho đội ngũ hành chính sự nghiệp, giáo viên trường công nhờ thế cũng thêm phần động viên. Bên cạnh đó, nhờ được giao quyền tự chủ về tài chính, các trường khéo vén thu chi còn có thêm được một khoản gọi là tiền tăng thêm thu nhập cuối năm, cũng có thể coi như thưởng Tết. Trường nào hiệu trưởng và kế toán biết tính toán hợp lý, Tết đến cũng lo được dăm ba triệu cho thầy cô, người lao động thêm phần kinh phí trang trải.

Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng Covid-19, nặng gánh với chi phí phòng chống dịch, nên trừ các thành phố lớn, kinh phí dành chăm lo Tết cho giáo viên, với chính quyền nhiều địa phương, là khó khả thi. Tết nhà giáo ấm hay không, chủ yếu trông nhờ vào tài vén khéo của nhà trường và tổ chức công đoàn giáo dục các cấp.

Đại diện nhiều trường công lập khu vực phía Nam cho biết đã vận dụng khoản tiết kiệm chi để chăm lo Tết cho đội ngũ nhưng con số e rằng khó khả quan như mấy năm trước. Trước đây, học sinh học trực tiếp, trường tổ chức giữ xe, bán trú, buổi 2… thì có thêm vài khoản thu. Năm nay học sinh chủ yếu học trực tuyến phòng dịch, chi phí nặng hơn mà thu thì không có, nên trường chỉ có thể chắt chiu tiết kiệm từ các khoản chi tiêu nội bộ như điện, nước, văn phòng phẩm… Cuối năm cũng chỉ có thể gói ghém được chút ít quà Tết cho mỗi thầy cô.

Đặc biệt khó khăn nhất là khối trường ngoài công lập, nhất là các trường mầm non, tiểu học. Nguồn thu hạn chế, thậm chí không có, tính toán hết mức để duy trì lương cơ bản cho một số giáo viên đến tận thời điểm này đã là quá sức đối với không ít trường tư thục. Nhiều hiệu trưởng trường mầm non tư thục ở TPHCM cho biết bản thân phải đi vận động từng đối tác cũ của trường (đơn vị cung cấp thực phẩm, dịch vụ), vén khéo cũng chỉ có thể lo được túi quà nhỏ cho các cô…

Khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến phúc lợi ngày Tết là tình hình chung, không chỉ riêng ngành Giáo dục. Thế nhưng, với quyết tâm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, cùng với các nhà trường, Công đoàn ngành Giáo dục các địa phương đã và đang nỗ lực triển khai, vận dụng, sáng tạo nhiều kênh để thực hiện việc chăm lo cho nhà giáo và người lao động.

Tại TPHCM, nơi dịch bệnh diễn ra nặng nề, tổn thất to lớn cả về người và của, công tác chăm lo Tết cho đội ngũ được thực hiện đồng bộ ở cả 2 cấp công đoàn cơ sở và Công đoàn ngành Giáo dục thành phố. Trong đó các hoạt động dành sự quan tâm đến đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Căn cứ vào nguồn tài chính công đoàn của đơn vị, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, đối tượng khó khăn được chăm lo thấp nhất là 500.000 đồng/trường hợp.

Đặc biệt Chương trình “Tấm vé nghĩa tình” - trao tặng, cũng đã và đang tích cực hỗ trợ vé xe cho nhà giáo, người lao động ngoài thành phố về quê đón Tết. Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên” được đẩy mạnh để nhà giáo, người lao động trong ngành được tiếp cận các gian hàng giảm giá, được tặng sản phẩm hoặc tặng phiếu mua hàng, phiếu giảm giá…

Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Những sự hỗ trợ về vật chất dịp Tết năm nay dù không bằng mọi năm, không lớn như ngành khác, song đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo, công đoàn từng trường đến đời sống mỗi cán bộ, giáo viên. Đó thực sự là niềm động viên quý giá với thầy cô qua một năm dịch bệnh vất vả, để thêm nỗ lực phấn đấu hơn nữa vì sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.