Chao đảo vì... Covid-19

GD&TĐ - Năm 2019, Philippines là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau nhiều thập kỷ “miệt mài” cải cách, mức tăng trưởng trung bình hằng năm từ 2010 - 2019 của nước này là trên 6%.

Tuy nhiên, đó là trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mức tăng trưởng kinh tế của Philippines chững lại vào năm 2020. Quốc gia này đã trải qua một trong những đợt suy thoái sâu sắc nhất từ sau Covid-19.

Chính phủ Philippines dự báo, kinh tế sẽ có sự phục hồi nhẹ vào năm nay. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại về sự phục hồi không chắc chắn và yếu ớt, do việc đóng cửa kéo dài.

Song, theo các chuyên gia kinh tế, không thể đổ lỗi tất cả cho đại dịch. Bởi, mô hình kinh tế của Philippines được xây dựng dựa trên sự di chuyển của con người. Đáng buồn là, ngành du lịch, dịch vụ đều dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa do đại dịch gây ra.

Du lịch quốc tế sụt giảm, du lịch bị đình trệ cùng hạn chế di chuyển đã làm tê liệt lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng và khách sạn.

Theo các chuyên gia y tế, phong tỏa là biện pháp vô cùng hữu ích, khi giúp quốc gia củng cố hệ thống y tế và kiểm tra - điều trị. Đây là những cơ sở để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn.

Song, nếu không củng cố các hệ thống này, quốc gia đó sẽ lãng phí thời gian cho việc phong tỏa. Điều này dường như đúng với trường hợp của Philippines. Bởi, Philippines đã trở thành quốc gia thực hiện một trong những đợt đóng cửa lâu nhất thế giới do đại dịch, nhưng không làm dẹt được đường cong Covid-19.

Hiện, Philippines tiếp tục hướng tới một đợt phong tỏa “cứng rắn” khác. Quốc gia này đồng thời nỗ lực hoàn thiện chiến lược ngăn chặn Covid-19 hiệu quả hơn, trong bối cảnh biến thể Delta lan rộng khắp Đông Nam Á.

Philippines dường như đang “mắc kẹt” với việc phong tỏa. Điều này đang gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Một yếu tố khác là Philippines đang chậm trễ trong triển khai tiêm chủng. Tất cả điều này có khả năng trì hoãn quá trình phục hồi ở Philippines.

Đến nay, có nhiều bài học cả từ kinh nghiệm của Philippines và các quốc gia khác. Giáo sư Ronald U Mendoza - Trưởng khoa tại Trường Chính phủ Anteneo, Đại học Ateneo de Manila nhận định, để phục hồi kinh tế thành công hơn, Philippines phải xây dựng một chiến lược ngăn chặn hiệu quả hơn, đặc biệt là chống lại mối đe dọa của các biến thể mới. Trong đó, bao gồm các chiến lược xét nghiệm diện rộng.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu di động tích hợp cũng hỗ trợ khả năng truy tìm người mắc Covid-19 hiệu quả và kịp thời hơn. Các chuyên gia nhận định, các dữ liệu chi tiết và kịp thời sẽ cho phép chính phủ cùng ngành tư nhân phối hợp tốt hơn. Từ đó, đưa ra các chiến lược ngăn chặn đại dịch.

Chính phủ Philippines cần tăng cường sự đầy đủ và minh bạch của hoạt động bảo trợ xã hội trực tiếp, nhằm giúp đỡ ngay cho các hộ nghèo và thu nhập thấp. Họ là nhóm bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch.

Philippines cũng cần đẩy nhanh tiêm chủng để bao phủ ít nhất 70% dân số, cải thiện chiến dịch tiêm vắc-xin. Đồng thời, tạo ra một chiến lược tái thiết hiệu quả hơn gắn với chăm sóc sức khỏe toàn dân và toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ