Chánh án huyện nói gì về vụ GĐ TTGDTX lĩnh án 5 năm tù?

GD&TĐ - Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, bản thân cũng đau xót và buồn trước bản án 5 năm tù đối với bà Lê Thị Dung.

Cơ quan chức năng khám xét phòng làm việc của bà Lê Thị Dung. Ảnh: CANA.
Cơ quan chức năng khám xét phòng làm việc của bà Lê Thị Dung. Ảnh: CANA.

Liên quan đến vụ án bà Lê Thị Dung, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT GDTX) huyện Hưng Nguyên, ông Lâm Quốc Tú - Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hưng Nguyên đã có những chia sẻ xung quanh bản án 5 năm tù của nữ giáo viên này.

Theo ông Tú, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm nhận định, hành vi của bà Dung là nguy hiểm, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương.

Bà Dung không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có một tình tiết giảm nhẹ là nhiều thành tích trong công tác. Tuy nhiên, chỉ có một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ Luật hình sự thì không có căn cứ để HĐXX xử tuyên phạt dưới khung hình phạt.

“Luật quy định cứng là phải 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên mới được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Chỉ có một tình tiết giảm nhẹ mà xử dưới khung thì chúng tôi bị hủy án, bị kiểm điểm ngay vì ra bản án trái pháp luật, còn bị 'treo' thẩm phán”, ông Tú phân tích.

Bà Lê Thị Dung, cựu Giám đốc TT GDTX huyện Hưng Nguyên. Ảnh: QĐ.

Bà Lê Thị Dung, cựu Giám đốc TT GDTX huyện Hưng Nguyên. Ảnh: QĐ.

Theo ông Tú, bà Lê Thị Dung từng là Hội thẩm TAND huyện Hưng Nguyên 5 năm, 2012-2017, tham gia xét xử nhiều vụ án, năng nổ và nhiệt tình trong công tác xét xử. Năm 2017, bà Dung được Chánh án TAND tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen vì có thành tích trong công tác xét xử.

Bản thân ông, đồng nghiệp tại TAND huyện Hưng Nguyên và cô Dung “có tình cảm, gặp nhau bắt tay thăm hỏi”. Bởi vậy, ông Tú cho biết bản thân cũng đau xót, nóng ruột và buồn trước bản án 5 năm tù đối với bà Dung, tuy nhiên bản án đã được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, toàn diện.

Vị chánh án phân tích, nếu có thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm có thể xem xét để tuyên dưới khung hình phạt hoặc là phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Trong đó, việc tự nguyện khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết giảm nhẹ để xem xét khi lượng hình.

“Bị cáo không bắt buộc phải nhận tội, nếu thấy bị truy tố sai thì có thể chối tội. Việc nộp lại số tiền gần 44,7 triệu đó không phải là căn cứ để buộc tội bị cáo mà được tính là khắc phục hậu quả theo truy tố của cáo trạng. Nếu tòa xác định bị cáo không phạm tội thì số tiền đã tự nguyện khắc phục sẽ được trả lại”, ông Tú nói thêm.

TT GDTX huyện Hưng Nguyên. Ảnh: DH.

TT GDTX huyện Hưng Nguyên. Ảnh: DH.

Như Báo GD&TĐ đưa tin, ngày 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên kết thúc phiên xử sơ thẩm, tuyên án 5 năm tù giam đối với bà Lê Thị Dung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, từ năm học 2011-2012 đến năm học 2015-2016, bà Dung đã thanh toán trùng (thanh toán 2 lần) số tiền 44.762.877 đồng cho cùng một nội dung: Bí thư chi bộ; học cao học và tập huấn kiểm tra.

Tại phiên tòa, do bà Dung không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên tòa đã tuyên mức án 5 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương, người đứng ra tố cáo bà Dung nhận án 2 năm tù cho hưởng án treo.

Được biết, TAND huyện Hưng Nguyên đã nhận được đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và kêu oan của bà Dung. Đơn vị này đang hoàn chỉnh hồ sơ chuyển TAND tỉnh Nghệ An để giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.