Chàng trai trở về từ cõi chết nhờ kỹ thuật "ngủ đông"

GD&TĐ - Bệnh nhân bị ngưng tim ngưng thở, được cứu sống nhờ phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy và cấy máy tạo nhịp phá rung tim.

Chàng trai trở về từ cõi chết nhờ kỹ thuật "ngủ đông"

4h sáng 17/9, chàng trai 21 tuổi ngụ Thủ Đức, TP HCM, đột ngột ngất xỉu sau đó hôn mê, được đưa vào bệnh viện gần nhà. Sau khi hồi sức có nhịp tim trở lại, 4 giờ sau bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Bệnh nhân được xác định mắc hội chứng Brugada, là một bất thường bẩm sinh có thể gây nên rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng. Các bác sĩ báo động đỏ nội viện, hội chẩn quyết định hạ thân nhiệt chỉ huy, đưa nhiệt độ cơ thể về 33 độ C để bảo tồn các chức năng não. Đồng thời bệnh nhân được cấy máy tạo nhịp phá rung. 

Bác sĩ Nguyễn Quang Trung, Trưởng Đơn vị Nhịp học, Khoa Nội Tim mạch cho biết trong quá trình cấy máy, bệnh nhân bị rung thất đột ngột. Các bác sĩ lập tức sốc điện ngoài tim, giúp bệnh nhân có tim trở lại. Sau khoảng 40 phút, việc cấy máy tạo nhịp phá rung tim hoàn tất và thuận lợi.

Chàng trai tiếp tục được hạ thân nhiệt chỉ huy ở 33 độ C trong vòng 24 giờ tiếp theo. Đến ngày 19/9, nhiệt độ cơ thể được làm ấm dần lên 36 độ, bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc an thần. Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, gọi là "gấu ngủ đông" giúp đông lạnh các tế bào trong cơ thể, giảm được sự chuyển hóa. Từ đó sẽ giúp cứu được tế bào não, giảm nguy cơ sống đời thực vật. 

Bệnh nhân hiện hồi phục sức khoẻ tốt. Ảnh: H.H

Bệnh nhân hiện hồi phục sức khỏe.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Ân, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc cho biết sau 3 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã tỉnh, ngưng thở máy, rút nội khí quản, sinh hiệu ổn. Dự kiến bệnh nhân xuất viện trong một vài ngày tới. "Điều quan trọng là mọi chức năng tạng đều ổn, không có dấu hiệu của suy tạng, tránh được những di chứng nặng nề sau này. Đây là nỗ lực rất lớn của các y bác sĩ nhiều chuyên khoa", bác sĩ Ân phân tích.

Triệu chứng thường gặp của hội chứng Brugada là ngất do những bất thường nhịp tim thoáng qua. Dạng nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến ngưng tim do rối loạn nhịp thất. Đột tử có thể xảy ra nếu không được sốc điện kịp thời. Hầu hết bệnh nhân bị hội chứng Brugada có thể không có triệu chứng lâm sàng nào.

Hội chứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện ở người trưởng thành còn trẻ. Những người có nguy cơ cao là tiền sử gia đình có người bị đột tử do bệnh tim, tiền sử cá nhân có rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, bị những cơn ngất nặng.

Hội chứng Brugada có thể do di truyền. Một người bị hội chứng Brugada, những thành viên khác trong gia đình được yêu cầu đo điện tâm đồ để tầm soát bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.