Chàng trai đầu tiên của thôn Mã Pì Lèng đỗ đại học

 GD&TĐ - Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2024, tỉnh Hà Giang có 9 thí sinh trúng tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân, trong đó có Giàng Mí Lía.

Ông Lý Văn Đông (bên trái), Bí thư Đảng uỷ xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc) - người đỡ đầu, đồng hành cùng em Giàng Mí Lía trong hành trình chinh phục ước mơ.
Ông Lý Văn Đông (bên trái), Bí thư Đảng uỷ xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc) - người đỡ đầu, đồng hành cùng em Giàng Mí Lía trong hành trình chinh phục ước mơ.

Giàng Mí Lía, sinh năm 2005, dân tộc Mông, ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Lía là người đầu tiên trong thôn Mã Pì Lèng đỗ đại học.

Quyết tâm thi Đại học 2 lần

Giàng Mí Lía sinh ra và lớn lên ở thôn Mã Pì Lèng, gia đình là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang.

Bố của Lía chỉ đi học hết cấp II, mẹ em thì không được đi học. Cả gia đình trông cả vào ruộng nương và nuôi lợn, nuôi bò. Vất vả là vậy nhưng, bố mẹ Lía vẫn quyết tâm cho con đến trường để tìm cái chữ, thay đổi cuộc đời.

Sau khi học hết Tiểu học tại Trường PTDTBT Tiểu học Pải Lủng, Giàng Mí Lía may mắn được ông Lý Văn Đông, hiện là Bí thư Đảng uỷ xã Pải Lủng nhận đỡ đầu.

Nhờ sự hỗ trợ của cha đỡ đầu cùng sự giúp đỡ của các chú Công an xã kêu gọi ủng hộ của các nhà hảo tâm, Lía được tiếp tục đi học THCS ở trường PTDT nội trú huyện Mèo Vạc và THPT ở trường Hữu nghị Việt - Lào.

Không có tiền tham gia các lớp ôn thi đại học như bạn bè cùng trang lứa, Lía quyết tâm ở nhà tự học và tìm kiếm các khóa học online trên mạng với chi phí thấp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023, Lía đã trượt nguyện vọng 1 vì thiếu 0,3 điểm. Lúc đó em đã chọn phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang để theo học.

Ước mơ được trở thành chiến sĩ Công an vẫn luôn hiện hữu, thôi thúc Lía quyết tâm luyện thi lại lần 2.

Suốt 1 năm đi học ở thành phố Hà Giang, trong căn phòng trọ nhỏ bé, Lía cặm cụi ôn thi sau những giờ học trên lớp.

Bố mẹ không có điều kiện cho Lía học đại học, toàn bộ chi phí ăn học lúc này của Lía đều do ông Lý Văn Đông đỡ đầu và các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp sức.

Thấu hiểu sự vất vả của gia đình và sự tin yêu, kỳ vọng của những người bên cạnh đồng hành, giúp đỡ, Lía đã nỗ lực, kiên trì, quyết tâm vượt qua khó khăn.

Năm 2024, Lía trúng tuyển vào Học viện An ninh với tổng điểm ba môn thi khối C03 là 26,1 điểm. Em còn là 1 trong top 27 thí sinh có điểm số cao nhất toàn tỉnh ở khối C00 với 28 điểm.

2354dd55e2cb45951cda.jpg
Giàng Mí Lía miệt mài ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

Ước mơ được trở về cống hiến cho quê hương

Góc học tập dán đầy những mảnh giấy nhớ ghi rõ mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Những đêm thức trắng ôn thi quên cả thời gian. Chàng trai người Mông đã dành trọn thời gian và tâm sức để học, quyết tâm chinh phục ước mơ trở thành chiến sĩ Công an. Đi học xa nhà nên mỗi khi có dịp nghỉ được về thăm gia đình, Lía tranh thủ thời gian giúp bố mẹ việc ruộng nương để kiếm thêm tiền đi học.

Ngày nhận được thông báo là 1 trong 9 thí sinh xuất sắc của tỉnh Hà Giang trúng tuyển Học viện An ninh, gia đình Lía vỡ oà trong niềm vui và hạnh phúc. Niềm vui được nhân lên hơn nữa khi nhận được sự chia sẻ của bà con nhân dân trong thôn. Ai cũng phấn khởi, tự hào khi lần đầu tiên thôn Mã Pì Lèng có một người con được bước vào cánh cổng trường đại học, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ quê hương phấn đấu noi theo.

Khi được hỏi về dự định tương lai, Giàng Mí Lía chia sẻ: Ước mơ của em khi trở thành tân sinh viên Học viện An ninh là được theo học chuyên ngành Điều tra Hình sự.

Sau khi tốt nghiệp, mong muốn của em là được quay trở về quê hương Hà Giang. Bà con trong thôn, trong xã còn khổ, nhiều tệ nạn xã hội chỉ vì sự thiếu hiểu biết. Em chỉ mong mình có thể đóng góp công sức giúp đỡ bà con, tiếp tục cống hiến sức trẻ cho mảnh đất biên cương còn nhiều gian khó.

Chỉ còn vài ngày nữa, Giàng Mí Lía, chàng trai dân tộc Mông sẽ rời xa quê hương, đặt chân đến vùng đất mới để tiếp tục hành trình học tập, mang theo bao ước mơ và kỳ vọng của người dân Mã Pì Lèng gửi gắm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ