Chàng shipper trở thành dịch giả

GD&TĐ - Một ngày, chàng shipper trẻ không còn đi giao đồ ăn, mà trở thành dịch giả J.B sau khi dịch cuốn tiểu thuyết của nhà văn đương đại nổi tiếng Pháp.

Huỳnh Hữu Phước khi có tác phẩm dịch đầu tay và mang tặng sách cho bạn bè. Ảnh: Hiếu Hiền - NVCC
Huỳnh Hữu Phước khi có tác phẩm dịch đầu tay và mang tặng sách cho bạn bè. Ảnh: Hiếu Hiền - NVCC

Bỗng một ngày, chàng shipper trẻ không còn đi giao thức ăn, mà trở thành dịch giả J.B sau khi dịch cuốn tiểu thuyết của nhà văn đương đại nổi tiếng của Pháp. Con đường mới khiến anh hào hứng và con đường “cũ” luôn khiến anh bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ lại.

Không gục ngã

Tháng 11/2022, sau vài câu giao lưu bằng tiếng Pháp với nhà văn Pháp Marc Levy ở đường sách (TPHCM), chàng shipper Huỳnh Hữu Phước (SN 1998) bỗng nhiên nổi tiếng.

Khuôn mặt thông minh và đầy cảm xúc khi phát biểu, khi vẫn đang khoác chiếc áo giao hàng thức ăn, khiến Phước trở thành một hình ảnh đầy sức hút, một biểu tượng của sự ham học, yêu văn chương và đậm chất thơ. Câu chuyện của Phước cũng nhiều tình tiết và nhấn nhá như một cuốn tiểu thuyết.

Năm 2016, Huỳnh Hữu Phước bước vào giảng đường với chương trình tiếng Pháp và sau đó đăng ký học song bằng Khoa Địa lý học của ĐH Sư phạm TPHCM. Nhưng chỉ vài tháng sau, biến cố gia đình ập đến, một mình Phước phải tự bươn chải. Từ cuộc sống chỉ tập trung vào việc học, phút chốc, Phước phải đối mặt với mọi thứ, lo từ miếng cơm ăn mỗi ngày, tiền nhà trọ mỗi tháng và học phí từng học kỳ.

Huỳnh Hữu Phước khi là sinh viên năm nhất, Khoa Tiếng Pháp, ĐH Sư phạm TPHCM (vào năm 2017). Ảnh: Hiếu Hiền - NVCC

Huỳnh Hữu Phước khi là sinh viên năm nhất, Khoa Tiếng Pháp, ĐH Sư phạm TPHCM (vào năm 2017). Ảnh: Hiếu Hiền - NVCC

Sau khoảng 2 năm vừa học vừa làm, Phước không thể gắng gượng được. Điểm số ngày càng thấp dần, những buổi đến trường thưa vắng hơn và cuối cùng đã có môn học không thể hoàn thành. Những kỳ học phí khi đóng, khi không.

“Lúc đó, em xấu hổ với bạn bè, thầy cô và với chính bản thân. Vì thầy cô đánh giá em có sức học nhưng rồi điểm thi thấp, rớt môn khiến em cảm thấy đang phụ lòng mọi người. Cộng thêm lúc đó, em không xoay xở được học phí nên đành viết đơn xin bảo lưu kết quả học tập. Nhưng hết thời gian bảo lưu mà em vẫn không thể kiếm đủ tiền và thời gian để theo học”, Huỳnh Hữu Phước kể lại.

Từ đó, Phước theo ngã rẽ để vào con đường mới, trở thành shipper giao thức ăn. Con đường shipper của Phước kéo dài khoảng 5 năm (từ 2018 đến cuối năm 2022) với nhiều cung bậc cảm xúc từ đau khổ vì không thể đến trường; ấm áp từ sự san sẻ của những người dưng mới quen và cả niềm vui của tri thức tự mình tích lũy qua những cuốn sách cũ.

Huỳnh Hữu Phước trong buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy ở đường sách vào năm 2022. Ảnh: Internet

Huỳnh Hữu Phước trong buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy ở đường sách vào năm 2022. Ảnh: Internet

Trở lại giảng đường

Sau khi các bài báo về chàng shipper nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy được nhiều người đọc, những người yêu mến tài năng, nghị lực sống, tinh thần ham học hỏi của Phước đã chung tay ủng hộ một số tiền để giúp Phước đi học trở lại.

Từ tháng 2/2023, Phước đã trở lại giảng đường, tiếp tục việc học tại Khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Đồng thời, cũng ngay lúc đó, ước lượng sự giúp đỡ của nhà hảo tâm có thể đủ giúp mình vượt qua 2 đến 3 năm đại học, Phước đã xin ngưng nhận giúp đỡ.

Gián đoạn việc học từ tháng 8/2020, để trở lại việc học, Phước phải có sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường cùng với cam kết phải tiếp tục việc học đến cùng, không được bỏ ngang lần nữa.

“Ngày đó, khi quyết định xin bảo lưu và rồi không thể đi học được, em tưởng chừng như mình đã chấm dứt việc học, bỏ đi ước mơ được theo học ngành mình yêu thích”, Phước vẫn bồi hồi xúc động khi nhớ về quãng thời gian khó khăn.

Phước xúc động còn vì sự giúp đỡ của các giảng viên Khoa Tiếng Pháp như thầy trưởng khoa và đặc biệt là cô Trần Lê Bảo Chân - Phó Trưởng khoa. Không chỉ nhắc nhở, động viên Phước đến trường, các thầy cô còn trích tiền túi để đóng tiền nhà trọ, tiền học phí cho Phước. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô mà Phước có thể đủ điều kiện để bảo lưu kết quả học tập.

Giảng viên Trần Lê Bảo Chân - Phó Trưởng khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - nhận định Huỳnh Hữu Phước là sinh viên có khao khát học tập, có ý chí cầu tiến, học lực tốt nhưng vì hoàn cảnh quá ngặt nghèo mà phải dừng việc học. Cô còn chia sẻ kỷ niệm có lần giữa đêm, Phước bị chủ nhà bắt ôm đồ đạc ra khỏi phòng trọ vì nhiều tháng chưa đóng tiền nhà. May mà các thầy cô biết được nên kịp giúp đỡ để em có thể ở trọ lại.

Phước gọi đó là tình thương mà bạn sẽ không bao giờ quên được, như là đã được sinh ra một lần nữa, trong vòng tay yêu thương của thầy cô.

Huỳnh Hữu Phước khi còn là shipper, vừa làm việc vừa đọc và dịch sách. Ảnh: Hiếu Hiền - NVCC

Huỳnh Hữu Phước khi còn là shipper, vừa làm việc vừa đọc và dịch sách. Ảnh: Hiếu Hiền - NVCC

Dịch giả - “con đường mới”

Cuốn sách dịch đầu tiên của mình, Phước ký tên là J.B. Phước thành thật chia sẻ: “J.B là tên thánh Gioan Baotixita của em và cũng là cái tên rất thông dụng. Em giữ kín tên thật của mình trong tác phẩm dịch đầu tay bởi nỗi e sợ sẽ không thành công. Dù mình có nỗ lực, dù được đánh giá tốt từ nhiều người nhưng đây là con đường mới. Em chưa biết nhiều về nó nên còn e dè”.

Huỳnh Hữu Phước cho biết, quá trình dịch sách tiếng Pháp bắt đầu từ cuối năm 2021 - ngay sau khi vừa rời khỏi bệnh viện vì cơn hôn mê sâu do mắc Covid-19.

Dường như cơ may đến từ sự đam mê văn chương Pháp của Phước. Yêu văn chương Pháp nên Phước kết bạn Facebook với một nữ dịch giả. Mối giao hảo này dẫn đến cơ hội được thử sức ở một lĩnh vực đầy thú vị.

“Khi em được chị rủ dịch cuốn tiểu thuyết Con gái của văn sĩ Camille Laurens, em cũng hơi ngần ngại vì chưa có kinh nghiệm dịch thuật. Tác giả này chơi chữ rất nhiều, khó dịch hơn tiểu thuyết cổ điển. Nhưng em quyết định sẽ thử sức một lần. Chắc hẳn mình có khả năng thì chị ấy mới cho mình cơ hội như vậy”, Huỳnh Hữu Phước cho biết.

Quãng thời gian đó, ban ngày Phước là một shipper giao hàng, ban đêm âm thầm dịch sách. Khi cuốn sách đầu tiên được xuất bản, Phước vui như trẻ con nhận được quà. “Em so sánh niềm vui ấy như trẻ con nhận quà vì trẻ con đã vui là vui thật lòng, vui nhưng không cần có ý niệm gì khác ngoài niềm vui đang có”. Phước nói rằng niềm vui đó, đã rất lâu rồi mới có thể cảm nhận lại được.

Am hiểu tiếng Pháp do được học bài bản từ lớp 1 đến lớp 9, kết hợp với niềm đam mê văn chương, có kiến thức tổng hợp là những... tài sản quý báu mà chàng shipper này có được.

“Khi mình không đọc văn chương, mình sống một cuộc đời của riêng mình. Nhưng bước vào thế giới của văn chương, mình có thể sống trong hàng ngàn cuộc đời khác. Văn học thật sự là nhân học khi mỗi người có thể đào sâu về đời sống nội tâm, trải nghiệm cuộc đời bên cạnh thu nhặt nhiều kiến thức”, Huỳnh Hữu Phước chia sẻ về tình yêu với văn chương.

Không chỉ giỏi tiếng Pháp ở mức có thể dịch sách, Phước còn có vốn ngoại ngữ khác như chữ Hán với khả năng đọc hiểu rất nhẹ nhàng. Tập thơ Đường là một trong những cuốn sách Phước hay mang theo bên mình. Phước học chữ Hán với ông nội - người am hiểu 5 thứ tiếng.

“Thơ Đường là một thế giới văn chương rất khác phương Tây. Đối với người phương Đông, từng câu chữ, từng Hán tự đều chứa đựng một ý tưởng triết học. Em thích đọc thơ Đường như một cách để hiểu văn hóa phương Đông. Em đang thử dịch thơ Đường sang tiếng Pháp để so sánh văn chương ở hai nền văn hóa”, Phước cho biết.

Huỳnh Hữu Phước hiện nay, khi đã đi học trở lại và đi theo con đường dịch sách. Ảnh: Hiếu Hiền - NVCC

Huỳnh Hữu Phước hiện nay, khi đã đi học trở lại và đi theo con đường dịch sách. Ảnh: Hiếu Hiền - NVCC

Bồi hồi nhớ “con đường cũ”

Huỳnh Hữu Phước hình như là một nhân cách “hoài niệm”. Thuở còn chạy xe giao thức ăn nhanh, thay vì chọn lối đi ngắn nhất, nhanh nhất thì Phước chọn một hướng nào đó để có thể vòng qua cổng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Thậm chí, có khi không có đơn hàng để giao, Phước vào hẳn sảnh văn phòng Khoa Tiếng Pháp của trường chỉ để quẩn quanh, thương nhớ về những thời gian đẹp nhất cuộc đời mình.

Nhưng rồi khi đã thôi nghề shipper, Phước vẫn thích quay trở lại con đường “xưa”, để được gặp lại những người quen, những người có ơn với mình. Tiệm sách cũ của chú Chín (đường Trần Nhân Tôn, Quận 5, TPHCM) là một trong những nơi Phước hay tìm về. Nơi đây có những cuốn sách chất chứa bao tri thức và tình người.

“Ngày đó, khi chú hỏi ăn cơm chưa, em trả lời thiệt tình là chưa. Nói con không có tiền ăn cơm, chú cho con mượn tiền ăn cơm đi. Chú cho luôn tiền ăn trưa, chứ không phải là cho mượn”, Huỳnh Hữu Phước kể.

Những ngày rong ruổi trên nẻo đường giao hàng, Phước gặp và quen biết nhiều người lao động, từ người bán hàng rong đến người bán vé số, bán cafe cóc ven đường.

“Thấy những người lao động vậy thôi nhưng kiến thức họ rất rộng. Họ kể cho em nghe nhiều thứ về lịch sử của thành phố này, từ tên gọi của con đường lúc trước cho đến những sự kiện gắn liền với nó”, Phước nói.

Điều đặc biệt hơn, chàng dịch giả trẻ tuổi còn thấy những người lao động chân tay đó lại rất hào sảng, theo một cách đặc trưng của miền Nam. Không chỉ chú Chín cho tiền cơm, còn có cô Tám bán quán cơm cho nợ có khi đến 3 dĩa cơm cho cậu shipper kèm theo vài câu mắng yêu...

“Những người quen đường phố thương em với tình thương không tính toán. Dù ăn to nói lớn nhưng các cô chú rất thật lòng. Em được nhận những tình thương thiệt lòng và em thích điều đó, cũng như sẽ cho đi tình thương như thế. Em rất thần tượng những dịch giả gạo cội như bác Trịnh Lữ, cô Lý Lan hoặc Bùi Giáng.

Những dịch giả này cho em niềm tin vào con đường rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng một cách kiên nhẫn thì sẽ có ngày thành công. Em tin rằng, cứ đi với tất cả nhiệt huyết, năng lượng thì những con suối nhỏ cũng sẽ chảy về với sông lớn”, Phước nói.

Tác phẩm dịch đầu tay của Huỳnh Hữu Phước là tiểu thuyết Con gái (tên tiếng Pháp là Fille) của tác giả Camille Laurens (tên thật là Laurence Ruel-Mézières), sinh năm 1957 tại Dijon, một trong những tiểu thuyết gia đương đại nổi tiếng của Pháp. Tác phẩm do NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành vào tháng 7/2023. Cuốn tiểu thuyết này do Viện Pháp tại Việt Nam giới thiệu dịch, trong khuôn khổ chương trình tài trợ xuất bản của Quỹ Nguyễn Văn Vĩnh.

Cuốn tiểu thuyết ban đầu được một dịch giả khác nhận dịch. Trong quá trình chuyển ngữ, Huỳnh Hữu Phước đã cùng với dịch giả này dịch. Người dịch ban đầu dịch vài trang đầu và cuối của sách, Phước dịch phần còn lại. Bản dịch của Huỳnh Hữu Phước đã được NXB Phụ nữ Việt Nam gửi cho GS Vĩnh Đào đang sinh sống ở Pháp đọc thẩm định. Giáo sư Vĩnh Đào đã nhận xét rằng bản dịch khá thông suốt và trôi chảy. Điều này cho thấy Phước có thể gắn bó với nghề dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Bảng giá vận chuyển quốc tế mới nhất 2024