Chặng đường khởi nghiệp của nữ doanh nhân đam mê giáo dục

GD&TĐ - Hệ thống giáo dục Phần Lan (FIS) là một trong những đơn vị tiên phong đưa giáo dục Phần Lan về Việt Nam. Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Đào Ngọc Anh - người sáng lập và điều hành hệ thống.

Giáo dục Phần Lan được công nhận là nền giáo dục thuộc top đầu thế giới, bởi trẻ không chỉ có kiến thức toàn diện mà còn luôn cảm thấy hạnh phúc.

Chị Nguyễn Đào Ngọc Anh - người sáng lập và điều hành Hệ thống giáo dục Phần Lan (FIS)
Chị Nguyễn Đào Ngọc Anh - người sáng lập và điều hành Hệ thống giáo dục Phần Lan (FIS)

Cơ duyên nào đã dẫn chị tới con đường làm giáo dục mầm non?

Ngay từ khi tôi còn nhỏ, câu chuyện Tốt tô chan - cô bé bên cửa sổ đã là quyển sách mà tôi yêu thích. Câu chuyện kể về ngôi trường trên những toa tàu và triết lý giáo dục giản dị nhân văn đã khiến tôi ghi nhớ mãi sau này. Sau khi tốt nghiệp Đại học năm 2009, tôi bắt đầu tìm tòi, học hỏi các khoá học ngắn hạn trong và ngoài nước về giáo dục từ đó. Hơn nữa, tôi cũng sinh ra trong cái nôi làm giáo dục, mẹ tôi là giáo viên, bố tôi là nhà báo lâu năm, nên đã nuôi dưỡng niềm yêu thích giáo dục và tính sáng tạo trong tôi.

Tôi chính thức mở ngôi trường đầu tiên năm 2018.

Chị bắt đầu nghiên cứu về giáo dục Phần Lan từ khi nào? Hành trình đó ra sao?

Tôi mở ngôi trường đầu tiên theo phương pháp giáo dục Steam. Tuy nhiên, tôi tình cờ gặp một người bạn trở về từ Phần Lan sau nhiều năm, trò chuyện với bạn, tôi đã yêu thích giáo dục Phần Lan ngay từ lúc đó. Tôi bắt đầu nghiên cứu về giáo dục Phần Lan trong suốt 2 năm. Tôi được làm việc với đội ngũ chuyên gia về giáo dục mầm non tại Phần Lan, có cơ hội được đến thăm và làm việc tại các trường mầm non ở Châu Âu, tôi đã học được rất nhiều từ chuyến đi này. Sau 2 năm nghiên cứu và làm việc, tôi và đội ngũ mở trường mầm non Phần Lan đầu tiên sát công viên Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngài Phó Đại Sứ Phần Lan tại Việt Nam - Janne Oksanen tặng hoa chị Ngọc Anh trong lễ Đại nhạc hội của nhà trường
Ngài Phó Đại Sứ Phần Lan tại Việt Nam - Janne Oksanen tặng hoa chị Ngọc Anh trong lễ Đại nhạc hội của nhà trường

Giáo dục Phần Lan được biết tới là một trong những nền giáo dục đứng đầu thế giới, vậy nó có gì khác biệt so với giáo dục các nước khác?

Giáo dục Phần Lan thường tổ chức các bài học dưới dạng trò chơi và chú trọng giúp trẻ gần gũi thiên nhiên, trải nghiệm thực tế. Phần Lan có 70% là rừng và hồ nước, nên trẻ thường xuyên có những lớp học trong rừng, trẻ được học từ thiên nhiên bằng sự tự nhận biết, cô giáo đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, nên trẻ rất dễ ghi nhớ. Điều đặc biệt nữa, Phần Lan đặc biệt chú trọng tinh thần của trẻ, nuôi dưỡng niềm vui của trẻ mỗi ngày đến trường.

Chị có gặp khó khăn gì khi áp dụng chương trình giáo dục Phần Lan về Việt Nam?

Đầu tiên là do điều kiện về thiên nhiên Việt Nam không có nhiều rừng và hồ nước như Phần Lan, để duy trì cho các con học ngoài trời, tất cả các điểm trường của chúng tôi đều nằm tại khu đô thị, sát công viên hoặc sân chơi rộng. Điều này cũng khắc phục được phần nào.

Ngoài ra, việc đào tạo giáo viên có được “tinh thần Phần Lan” cũng là một chặng đường, đòi hỏi sự gần gũi, sát sao với từng giáo viên. Ban ngày ở trường bận, tôi vẫn tranh thủ trao đổi, chia sẻ với giáo viên vào buổi tối về tiết học ngày hôm sau. Không chỉ về chuyên môn, tôi chú trọng tinh thần của giáo viên rất nhiều, bởi chỉ khi giáo viên có năng lượng tốt mới truyền được sự tích cực cho trẻ.

Chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh. Giáo viên sẽ trò chuyện, trao đổi, gần gũi nhiều với phụ huynh để giúp phụ huynh hiểu sâu về chương trình, có thể đồng hành với trẻ trong các hoạt động, bài tập mà chúng tôi gửi về nhà. Sự ủng hộ, phối hợp từ gia đình và nhà trường sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

Chị Ngọc Anh cùng đội ngũ cổ đông, quản lý các cơ sở thuộc hệ thống
Chị Ngọc Anh cùng đội ngũ cổ đông, quản lý các cơ sở thuộc hệ thống

Bí quyết nào khiến chị xây dựng được một rồi nhiều ngôi trường thành công?

Khi mở ngôi trường đầu tiên, khó khăn chồng chất khó khăn, từ việc tuyển sinh, vận hành, tổ chức cho đến áp lực về mặt tài chính để duy trì. Tôi và đội ngũ thường xuyên họp lúc đêm muộn, vì ban ngày khá bận rộn rồi, thường chúng tôi dành 12-13 tiếng/ngày để làm việc. Tôi đích thân tư vấn từng phụ huynh, chia sẻ cặn kẽ để họ hiểu rõ triết lý giáo dục của nhà trường.

Có lúc quá áp lực tôi đã muốn bỏ cuộc, nhưng nhìn lại những gì mình và đội ngũ đã đạt được, tôi lại tự nhủ thêm cố gắng!

Tôi vẫn thường chia sẻ với giáo viên, nhân viên rằng, muốn thành công chỉ có sự tận tâm, chịu khó, thêm óc sáng tạo và linh hoạt để tạo khác biệt. Tuy nhiên, sự chăm chỉ chịu khó vẫn là quan trọng nhất!

Tôi vui mừng vì thành quả bước đầu đã đạt được, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần để nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới- khi FIS ngày càng lớn mạnh hơn.

Hoạt động ngoài trời của trẻ tại FIS
Hoạt động ngoài trời của trẻ tại FIS

Chị đã lan toả phương pháp Giáo dục Phần Lan thế nào và có kế hoạch gì trong tương lai?

Chúng tôi hiện có nhiều cơ sở tại Hà Nội, bắt đầu tiến hành Franchise - nhượng quyền thương hiệu FIS để có thể lan toả phương pháp giáo dục Phần Lan khắp cả nước. Tuy nhiên, để giữ được chất lượng hệ thống, việc chọn lọc đối tác Franchise khá khắt khe. Hiện tại, phần lớn đối tác nhận nhượng quyền đều được đào tạo bài bản tại Nước ngoài, trên 80% đạt trình độ thạc sỹ tại các nước có nền giáo dục phát triển. Nhưng quan trọng hơn cả, mỗi cổ đông đều rất tâm huyết và yêu trẻ.

Dự kiến thời gian tới, chúng tôi tiếp tục lựa chọn đối tác đủ tâm, tầm tại các tỉnh thành trên khắp Việt Nam để mở rộng hệ thống và lan toả tinh thần giáo dục Phần Lan trên khắp cả nước!

Chân thành cảm ơn chị và chúc chị luôn thành công!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ