Đầu tháng Mười năm 2018, cuốn sách “Giai Hà Nội lặn lội London” của tác giả Nguyễn Thanh Tùng ra mắt độc giả. Không chỉ ghi lại những kỷ niệm của tác giả khi còn là một du học sinh tại Anh quốc, cuốn sách còn là một lăng kính đa chiều và chân thực, phản chiếu về London qua những trải nghiệm của một người sống trong lòng London và phải lòng London.
Chỉ mười lăm tháng ở London nhưng chàng sinh viên 34 tuổi đã dấn thân hơn tất cả những năm tháng trước đó cộng lại, vào tất cả những cơ hội để được biết về văn hóa, được hiểu những con người nơi đây, được học hỏi từ những người bạn mọi nơi trên thế giới, và được cống hiến trong những hoạt động xã hội.
Bạn sẽ không chỉ thấy một London cổ kính với bảo tàng và thánh đường, những con phố mua sắm sáng trưng hay khu trung tâm tấp nập đồ ăn, âm nhạc và khách du lịch, bạn còn thấy một London tưng bừng trong lễ mừng sinh nhật Nữ hoàng, náo nhiệt với cuộc diễu hành của cộng đồng LGBTQ, nồng ấm qua những bông hoa poppy cài áo ngày 11 tháng Mười Một, một London cởi mở, một thành phố giàu có về văn hóa và lối sống không trộn lẫn vào đâu.
Câu chuyện không kể từ cái nhìn của người đọc-về-London, đi-ngang-qua-London, hay nghe-phong-thanh-về London, mà thực sự từ một người ở trong London. Và bạn sẽ nhanh chóng lây nguồn năng lượng tràn trề từ chàng trai Hà Nội này, một người luôn nghĩ: không bao giờ là quá già để thôi trải nghiệm.
Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1983 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa tiếng Hàn Quốc, Đại học Hà Nội và thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ công chúng tại Đại học Westminster, London, Anh.
Nguyễn Thanh Tùng đã từng làm nhà báo, biên tập viên và người dẫn chương trình truyền hình trong 8 năm từ 2007 đến 2015 trước khi anh quyết định đi du học.
Nguyễn Thanh Tùng cũng là dịch giả tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh lâu năm của Nhã Nam với các tác phẩm:
Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ
Trước lúc anh đi
Đường đời bất tận
Kẻ giấu mặt
9 tháng 10 ngày
Hiện anh đang là giáo viên dạy tiếng Anh.
Quan điểm sống: Bạn chẳng bao giờ là quá già để bắt tay vào làm công việc bạn thích.
“Người ta nói ‘Người nào cứ tiếc rẻ thời còn trẻ, nghĩa là chưa sống theo những gì mình có cơ hội được sống’. Giờ đây, ngồi nhìn những chiếc áo tình nguyện được phát trong mỗi một sự kiện, tôi lại một lần nữa thấy thời gian ở London của mình tuy ngắn ngủi, nhưng đã không trôi qua một cách uổng phí và nhạt nhẽo. Tôi đã không chỉ có học và check-in, mà đã sống cùng với cuộc sống của những con người ở đây, đã tham gia cống hiến đủ để không thấy tiếc nuối khi về nước.
Bởi tôi đã nhận rất nhiều từ nước Anh, nhưng cũng đã sẵn lòng cho đi khi có cơ hội.”