Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Giáo dục có vai trò quan trọng trong chấn hưng văn hóa. Điều đó được thể hiện qua văn bản, chỉ đạo của các cấp, ngành cũng như kế hoạch mỗi nhà trường…

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tổ chức Tết cho học sinh các dân tộc. Ảnh: NTCC.
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tổ chức Tết cho học sinh các dân tộc. Ảnh: NTCC.

Cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), văn hóa là thước đo của giá trị. Giáo dục trong các nhà trường đạt đến các chuẩn văn hóa là giáo dục có chất lượng.

TS Nguyễn Tùng Lâm nhắc lại, hệ giá trị con người Việt Nam được Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xác định theo 5 phẩm chất mà mỗi nhà trường, cấp học phổ thông đều phải quán triệt, đó là: Yêu nước, nhân ái, trung thực, chăm chỉ và trách nhiệm.

Trường Đinh Tiên Hoàng với mô hình đặc biệt là giúp đỡ những học sinh có khó khăn trong học tập và rèn luyện. Ngoài việc dạy chữ, để các em có đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp THPT, bước vào đại học, cao đẳng, nhà trường tập trung dạy người, giúp các em đạt được mục tiêu “Vì ngày mai lập nghiệp”.

“Giáo dục nhân cách cho học sinh được chúng tôi lựa chọn hàng đầu” – TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, đồng thời nhấn mạnh: Nhà trường luôn nêu cao giá trị phát triển nhân cách. Nhân cách không chỉ được hình thành bởi nghe và nói, mà chủ yếu được hình thành bởi chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa – cho rằng: Trong bối cảnh cả nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, trường học hiện nay không chỉ là trường học trí tuệ, mà còn phải là trường học văn hóa.

Để làm tốt việc này, đòi hỏi các nhà trường phải hoàn thiện các văn bản về quy định, quy chế ở mức tốt nhất, phù hợp thực tiễn phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh. Mặt khác, nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, giáo viên và các lực lượng giáo dục khác.

Cô – trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: NTCC.
Cô – trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: NTCC.

Mỗi trường học là trung tâm văn hoá, giáo dục

Tham luận tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, PGS.TS Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn lại quan điểm về xây dựng môi trường văn hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến lần đầu trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (21/11/1946).

Người nhấn mạnh: Lối sống văn hóa được thể hiện trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày như: Ăn, ở, đi lại, làm việc...; còn môi trường văn hóa là những điều kiện xung quanh để tạo nên lối sống văn hóa đó. Trong môi trường văn hóa có các môi trường văn hóa xã hội, cộng đồng, gia đình. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng trong quá trình xây dựng nền văn hóa dân tộc, phát triển đất nước.

Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững, đã bổ sung mới cả về lý luận và thực tiễn về xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam; trong đó nhấn mạnh: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ở đó mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa, lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống… Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ quan điểm: Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quan điềm này cho thấy, giáo dục ngày càng hướng đến phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Để làm được điều này, nhà trường cần xây dựng môi trường văn hóa hài hòa, đa dạng, phong phú, nhân văn để phục vụ mục tiêu giáo dục. Xét ở khía cạnh văn hóa, giáo dục chính là phương tiện quan trọng nhất để truyền tải những giá trị văn hóa, giúp những giá trị nhân văn, bản sắc dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới được lĩnh hội bởi mỗi cá nhân.

Trường học không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn là nơi giáo dục, phát triển con người trong suốt quá trình trưởng thành từ bậc mầm non đến đại học. Quá trình giáo dục nhân cách trong nhà trường không tiến hành đại trà, cảm tính mà được thực hiện với mục tiêu và đối tượng cụ thể; được tổ chức, chỉ đạo dẫn dắt nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Vì thế, khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phải tính đến vai trò vô cùng quan trọng của nhà trường. Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trường học phải được đặt lên hàng đầu và là nhiệm vụ trọng tâm.

Thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề cao nội dung giáo dục địa phương, trong đó có nhấn mạnh đến yếu tố giáo dục văn hóa, lịch sử, địa lý…. Nội dung này nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

Giáo dục địa phương giúp các em có ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư; góp phần xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trên hết là hun đúc tình yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Nội dung biên soạn tài liệu giáo dục địa phương bám sát quy định của Bộ GD&ĐT. Mỗi chủ đề trong tài liệu giáo dục địa phương được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội... trên địa bàn tỉnh. Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào Chương trình giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng góp phần giữ gìn bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. - Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ