Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Chấn hưng giáo dục để chấn hưng đạo đức

GD&TĐ - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều lần trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11) là “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Cô và trò Trường PTDTNT vùng cao Việt Bắc. Ảnh: Thế Đại
Cô và trò Trường PTDTNT vùng cao Việt Bắc. Ảnh: Thế Đại

Nâng cao hiểu biết của người dân

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (sáng 24/11, tại Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ thêm: “Trước đây, có vị tiền bối nói, văn hóa là nói lên bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Bản sắc văn hóa không còn thì không nói lên dân tộc nữa”.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhắc tới cụm từ “chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”. Người đứng đầu của Đảng nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) - chia sẻ: Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã dẫn chứng về nhiều giai đoạn lịch sử, nhắc nhở về ý chí độc lập tự cường của dân tộc; Đồng thời nhấn mạnh thông điệp về chấn hưng văn hóa, phát triển đất nước. Bài phát biểu như một sự trải lòng của người đứng đầu của Đảng với sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, sự chia sẻ với giới văn nghệ sĩ, giản dị nhưng sâu sắc.

Chấn hưng văn hóa để nâng cao vị thế con người, nâng cao sự hiểu biết của con người và phải bắt nguồn từ giáo dục. Ảnh: Công Tiến
Chấn hưng văn hóa để nâng cao vị thế con người, nâng cao sự hiểu biết của con người và phải bắt nguồn từ giáo dục. Ảnh: Công Tiến

Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định thông điệp về việc đặt văn hóa phải ngang tầm với chính trị và kinh tế, không thể bỏ rơi văn hóa. Mong muốn giai đoạn tới, văn hóa phải thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực, phải trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa kiến quốc để người dân Việt Nam xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường”.

Nhắc tới thông điệp mà Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiều lần trong bài phát biểu, TS Nguyễn Viết Chức cho hay, điều này khẳng định vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển của dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm thăng trầm của lịch sử, chúng ta vẫn giữ gìn một nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc, độc đáo và có sức mạnh riêng. Nền tảng sức mạnh ấy làm cho chúng ta đứng vững trong việc giữ gìn, tiếp thu, tiếp biến văn hóa.

Chúng ta hội nhập, có tiếp thu văn hóa của thế giới để làm giàu cho văn hóa dân tộc nhưng không phải cái gì cũng tiếp thu, không phải theo kiểu “vơ bèo, vạt tép” mà tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Mặt khác, khi tiếp thu vào nước ta cũng có những sự tiếp biến để thay đổi, phù hợp với bản sắc, văn hóa con người Việt Nam.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã nhắc tới việc chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đây là điều mong muốn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. TS Chức cho rằng: Chấn hưng văn hóa để nâng cao vị thế, hiểu biết của con người; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm tăng “sức mạnh mềm” của dân tộc. Từ đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Học sinh Hà Nội dự khai giảng năm học mới 2020-2021. Ảnh: Công Tiến
Học sinh Hà Nội dự khai giảng năm học mới 2020-2021. Ảnh: Công Tiến

Giáo dục hướng đến những chuẩn mực lối sống văn hóa

PGS.TS Lê Minh Hương – nguyên Trưởng khoa Việt Nam học (Trường Đại học Văn hóa) - cho biết, chấn hưng văn hóa để phát triển khoa học, phát triển con người bền vững là bắt nguồn từ giáo dục. Giáo dục là con đường duy nhất để đào tạo ra những thế hệ có văn hóa, bao gồm kiến thức, kỹ năng, cũng như kỷ luật.

Giáo dục cũng tạo động lực, niềm tin cho những người làm văn hóa. Vì thế, có thể coi giáo dục chính là chìa khóa quan trọng của sự chấn hưng văn hóa. Đặc thù quan trọng của văn hóa là mang tính cộng đồng. Chúng ta không thể tách cá nhân ra khỏi tập thể, cũng như tách người dân ra khỏi Nhà nước khi nói về văn hóa. Tất cả đều bị ràng buộc bởi những quy ước, chuẩn mực chung. Và giáo dục góp phần giúp toàn xã hội cùng chạy trơn tru, nhịp nhàng.

Cũng theo bà Hương, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tất yếu phải bắt đầu bằng việc hiện đại hóa giáo dục. Vì vậy, cần xây dựng giáo dục từ gốc để tiến tới một nền giáo dục phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và xu thế chung của thế giới. Từ đó tạo điều kiện cho cuộc hội nhập thành công.

Từ thực tế, phải làm sao để đạt tới sự nỗ lực chấn hưng đạo đức trước tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Lấy chấn hưng giáo dục để chấn hưng đạo đức. Từ đó chấn hưng dân tộc Việt Nam, nhằm đạt cho được khát vọng bền vững. Có như vậy mới gắn với chiến lược phát triển.

“Chấn hưng giáo dục không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà của cả hệ thống chính trị, trước hết là Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Muốn chấn hưng quốc gia, phải chấn hưng dân tộc, muốn chấn hưng dân tộc phải chấn hưng giáo dục. Giáo dục là phương pháp tốt nhất giúp con người hướng đến những chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa” - PGS.TS Lê Minh Hương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.