Chấn chỉnh việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

GD&TĐ - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức tọa đàm khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn”. Tuy là một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng sau những sự cố, cần có sự điều chỉnh cần thiết về công tác tổ chức, quản lý để bảo đảm lễ hội an toàn và hoàn thiện hơn.

Nhiều ý kiến tranh cãi giữ hay bỏ các lễ hội có tính chất bạo lực. (Ảnh: Báo Thời Nay)
Nhiều ý kiến tranh cãi giữ hay bỏ các lễ hội có tính chất bạo lực. (Ảnh: Báo Thời Nay)

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của quốc gia, từ tục lệ cổ xưa của người dân vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng). Được phục hồi từ cách đây hơn 27 năm và được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo du khách, lễ hội cũng phát sinh nhiều biểu hiện thương mại hóa, như mổ thịt trâu chọi bán giá quá cao, nâng giá vé xem hội vô tội vạ cùng các tệ nạn đi kèm như cá độ...

Những biểu hiện tiêu cực này đang làm sai lệnh hồ sơ di sản đã được phê duyệt, cần điều chỉnh để đưa lễ hội trở về ý nghĩa nhân văn ban đầu và tổ chức chặt chẽ hơn, bảo đảm an toàn cho những người tham gia.

Mặc dù xảy ra sự cố đáng tiếc trong tổ chức lễ hội vừa qua, song theo GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, không thể căn cứ vào đó để cấm tổ chức lễ hội vì đó chỉ là tai nạn xuất phát từ công tác quản lý, tổ chức. PGS, TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cũng cho biết:

Không nên lập lờ giữa việc chọi trâu tại sân vận động như vừa qua với chọi trâu truyền thống. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có hai phần tách biệt. Phần nghi lễ truyền thống do các làng trong vùng tự tổ chức, tế tự và phần tổ chức chọi trâu ở sân vận động như một sự kiện tiếp nối truyền thống.

Từ yếu tố thu hút hàng chục nghìn người tham dự, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội chọi trâu là một tài nguyên du lịch nhân văn và cần trở thành sản phẩm du lịch, có tính đến yếu tố dịch vụ và thương mại. Cần chấp nhận sự chuyển biến của lễ hội với khía cạnh thương mại như nhiều sự kiện văn hóa khác, song phải có công nghệ tổ chức sự kiện để lễ hội thật sự văn minh, không làm giảm giá trị truyền thống.

Đề cập vụ việc gây chết người ở vòng loại chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 vừa qua, ông Hoàng Xuân Minh, một thành viên Ban tổ chức lễ hội thừa nhận những thiếu sót và cho biết địa phương đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, bổ sung các quy định mới trong quy chế tổ chức. Ban tổ chức sẽ tập trung làm tốt phần lễ là giá trị cốt lõi của lễ hội như lễ dâng hương, thượng cờ, rước nước và phần tế, giảm yếu tố thương mại hóa.

Công tác tuyển chọn và huấn luyện trâu sẽ được tăng cường với việc thành lập tổ kiểm tra, không để sử dụng chất kích thích. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, chính quyền và Ban tổ chức lễ hội đã đề ra nhiều giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách như dựng thêm hàng rào bảo vệ, xây dựng trại trâu kiên cố, quy định số người dắt trâu, nhất là có phương án xử lý sự cố bằng công cụ đặc biệt, ngăn chặn những diễn biến bất thường trong quá trình chọi trâu.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ chấp nhận vẫn tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào ngày 9-8 âm lịch tới, song không nên tổ chức với quy mô quá lớn, ngoài tầm và khả năng kiểm soát, đồng thời lưu ý các biện pháp bảo đảm an toàn và đưa lễ hội trở về đúng với tiêu chí tổ chức của một lễ hội truyền thống như hồ sơ di sản đã được phê duyệt.

Các đại biểu thống nhất nên tổ chức hội chọi trâu Đồ Sơn trong phạm vi vòng đấu duy nhất vào đúng ngày chính hội, thay vì tổ chức các vòng loại với số lượng trâu dự đấu quá nhiều.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cần trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của cộng đồng dân cư vùng biển. Việc xử lý trâu chọi phải theo phong tục, tránh nâng khống giá và gian lận bán thịt trâu chọi, lừa dối du khách; ngăn chặn hiện tượng cá độ, cờ bạc trá hình và những giao dịch, thỏa thuận ngầm.

Ban tổ chức cũng cần chuẩn bị các công cụ hỗ trợ chuyên dụng đầy đủ như súng gây mê, khống chế trâu chọi trong các tình huống xấu. Sau hội chọi trâu năm nay, về lâu dài, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp các cơ quan chức năng và ngành văn hóa, du lịch TP Hải Phòng xây dựng đề án tổ chức lễ hội.

Theo NGUYỄN THU HIỀN/Nhân dân điện tử

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.