Lễ hội chọi trâu: Dừng là đúng

GD&TĐ - Sự việc một chủ trâu bị thiệt mạng do trâu húc tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) vào trưa 1/7 vừa qua là hồi chuông báo động về biểu hiện thương mại hóa và đặc biệt là tính bạo lực trong những lễ hội vốn xuất phát từ truyền thống tín ngưỡng. Sau sự cố này, các chuyên gia văn hóa cũng đặt vấn đề về việc có nên tiếp tục duy trì lễ hội chọi trâu hay không.

Lễ hội chọi trâu đang dần biến tướng mang tính bạo lực, phản cảm.
Lễ hội chọi trâu đang dần biến tướng mang tính bạo lực, phản cảm.

Lễ hội chọi trâu đang bị biến tướng

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Nguồn gốc hội chọi trâu còn được sách Đồng Khánh Dư ghi lại qua lời tương truyền: “Xưa có người dân trong xã đi qua đền Hùng Trấn Tước Điểm Thần thấy hai con trâu húc nhau, thấy động chúng bỏ chạy xuống biển. Về sau, dân xã Đồ Sơn mở hội chọi trâu vào ngày mùng 9/8 âm lịch hàng năm và cho rằng trong ngày hội thế nào cũng có trận mưa to gió lớn. Đó là thuỷ thần Đồ Sơn hiển linh. Để hài lòng thần linh, họ tổ chức một cuộc chọi trâu và tục này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

PGS Lê Trung Vũ, nguyên Trưởng phòng Lễ hội, Viện Văn hóa dân gian cho rằng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bản chất là một hoạt động văn hóa, để cầu sóng yên biển lặng. Trải qua thời gian, hoạt động văn hóa này đã bị biến tướng, người đời sau ứng xử một cách hoàn toàn khác, trở thành một hoạt động thể thao, rồi cả kinh doanh kiếm lợi, bán thịt trâu với giá cao... Hình ảnh con trâu mang số 18 chạy và lao vào người trên Sân vận động Đồ Sơn (Hải Phòng) trưa 1/7 đó là minh chứng cho cách ứng xử biến tướng đối với văn hóa truyền thống.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền chỉ ra rằng, việc tổ chức lễ hội chọi trâu bây giờ ngày càng khác xưa. Chẳng hạn như không gian thi đấu trên sân vận động là hoàn toàn không đúng với truyền thống, vì chọi trâu phải là một hoạt động liên quan đến nước, đến mặt trăng, đến cầu mùa. “Trước đây, ở lễ hội chọi trâu, chỉ có con trâu thắng cuộc được cho vào lưới, đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần. Nhưng bây giờ người ta lại gắn với tinh thần thượng võ, mang tính kích động bạo lực, nhằm mục đích kinh doanh thịt trâu chọi. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩa của nguyên bản lễ hội”, GS Trần Lâm Biền cho biết.

Nên “dẹp” những lễ hội bạo lực?

Những năm gần đây, những lễ hội kiểu này bị lên án mạnh mẽ. Nhiều người gay gắt cho rằng, những lễ hội này man rợ và mang tính bạo lực, khi lùa những con trâu ra sới đấu, rồi cả trâu thắng và trâu thua đều mang ra giết thịt công khai. Sự việc trâu chọi húc chết chủ trong lễ hội ở Hải Phòng một lần nữa đặt ra vấn đề có nên duy trì lễ hội bạo lực hay không?

PGS Lê Trung Vũ cho rằng, nếu để tồn tại hình ảnh lễ hội phản cảm như vậy, chẳng khác nào cổ vũ cho sự hung hăng và hành vi bạo lực. Chính vì thế, sau khi xảy ra tai nạn trên, việc nhà quản lý quyết định dừng lễ hội là hoàn toàn đúng đắn.

Với lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), dù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng cũng nên nghiên cứu thay đổi hình thức tổ chức, thay vì chú trọng phần hội như hiện tại thì nên đề cao phần lễ, để bảo vệ những giá trị tốt đẹp của di sản. Nhất là khâu tổ chức của các lễ hội chọi trâu ở Việt Nam lâu nay chưa đảm bảo an toàn cho chủ trâu và người tham gia lễ hội...

“Chọi trâu ngày xưa là văn hóa, chọi trâu ngày nay là sản phẩm phi vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Cổ súy bạo lực tất yếu sẽ bị đáp trả bằng bạo lực. Qua sự việc đau lòng này, ban tổ chức lễ hội và người dân phải nhìn nhận lại mục đích tổ chức, tham gia lễ hội của mình. Không nên bất chấp để phải đánh đổi bằng cả tính mạng” - GS Trần Lâm Biền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.