Chạm vào Cô Tô

GD&TĐ - Cô Tô nhé! - Chỉ cần lời đề nghị ngắn gọn ấy, tôi đã cùng đám trẻ xách ba lô rong ruổi hơn 200km đường bộ từ Hà Nội đến cảng Cái Rồng, rồi lên tàu cao tốc thẳng tiến Cô Tô…

Bãi tắm Tình Yêu còn giữ nguyên vẻ hoang sơ. Ảnh: T.G
Bãi tắm Tình Yêu còn giữ nguyên vẻ hoang sơ. Ảnh: T.G

Dập dềnh ra đảo

Con tàu cao tốc ra đảo được đánh số 04 ầm ì rẽ sóng. Khẽ cười khẩy trong lòng, tàu êm, khoang rộng – chứa tới hơn trăm người, điều hòa mát rượi… thế mà có người dậm dọa: Cẩn thận say sóng đó. Làm gì có say mà chỉ có lòng thơi thới được thỏa sức ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú.

Rõ ràng, đường ra Cô Tô đẹp như đang đi trên vịnh Hạ Long. Vẫn những núi đá đủ mọi dáng hình đuổi nhau ra biển. Những con tàu cặm cụi đưa khách lại qua. Làn nước trong xanh lăn tăn sóng gợn song ở vịnh Hạ Long, nước biển gần bờ bị loang loáng váng dầu. Vả lại, ở vịnh Hạ Long đâu được tận mắt thấy những vuông nuôi tôm, cua, ngao hoa, tu hài… dập dềnh trên mặt nước. Tất cả được thu vào tầm mắt trước những ô cửa kính của thân tàu.

Nhưng, tôi đã nhầm. Nếu đi tàu ra Cô Tô mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ thì những cảm giác yên ả ấy chỉ có thể kéo dài chừng 30 phút. Hơn 30 phút còn lại là cả một trải nghiệm chỉ muốn biết… một lần.

Tàu cao tốc bắt đầu nghiêng ngả sang trái, sang phải, đôi khi lại chồm lên những con sóng cuồn cuộn. Cả khoang tàu xao động. Người ồ, người à, người a… rồi vừa lắc lư vừa cố gắng giữ mình khỏi nhào ra khỏi chỗ. Và, say… Lúc này chẳng thể cười khẩy trong lòng được nữa mà chỉ có một niềm ước ao duy nhất… vào bờ.

Bỏ khoang tàu có điều hòa nhưng kín mít cùng những cơn say sóng, đám trẻ kéo tôi lên boong tàu. Thực ra, nói là boong cho oách chứ đấy chỉ là phần đuôi tàu có mái che cùng một cái sập đặt giữa đón chờ những hành khách thích trải nghiệm với sóng, gió biển.

Phải bám chắc, bỏ giày cao gót và dò từng bước mới có thể ra được phía lan can tàu. Nhưng có được chỗ đứng với tay vịn chắc ở đó rồi thì chao ôi sung sướng. Những cơn say và nôn nao trong lòng bay biến hết. Thế vào đó là niềm phơi phới khi được hít hà vị mặn của biển khơi. Đã thế, những con sóng bạc đầu cũng không chịu luồn mãi dưới thân tàu nên đã hất tung dòng nước vào tận boong. Cả người cuộn trong hơi biển, gió biển sao mà mặn mà, dấp dính…

Cô Tô kìa! Đám trẻ reo hò lẫn trong tiếng gào rít của gió và sóng. Thật tuyệt. Phía xa xa, hòn đảo xám sẫm, khá lớn hiện lên giữa biển khơi. Có giống đảo mà Rô-bin-xơn lạc vào không anh? Rất có thể. Vậy chúng ta sẽ được gặp thổ dân da đỏ. Hai đứa trẻ cười khanh khách, mong ngóng...

Chạm đến miền thương

Đón bình minh trên bãi đá Móng Rồng muôn sắc. Ảnh: T.G
Đón bình minh trên bãi đá Móng Rồng muôn sắc. Ảnh: T.G 

Tàu 04 cập cảng khi Mặt trời bắt đầu xéo hướng Tây. Gió biển Cô Tô không đủ sức làm dịu hơi nóng chang chang ngày hè. Trên cầu cảng, người người rồng rắn đợi tàu trở về đất liền. Dường như màu da ai cũng thêm mặn mà...

Thị trấn Cô Tô đây. Ngỡ ngàng. Giữa trùng dương mà vẫn nhà cao tầng san sát, hệ thống điện máy, nhà hàng, khách sạn ken dày rồi những con đường trải nhựa nối tiếp…

Ở Cô Tô chúng tôi đến thăm tượng đài Bác Hồ. Được biết, đây là tượng đài đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho dựng lúc Người còn sống (khánh thành năm 1968 và hiện nay là tượng đài được đánh giá là đẹp nhất vùng Đông Bắc của Tổ quốc). Với người dân Cô Tô, tượng đài Bác đứng uy nghiêm, mặt nhìn ra biển Đông, tay phải giơ cao vẫy chào như che chở, động viên tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người dân nơi đầu sóng ngọn gió luôn hăng say lao động, sẵn sàng bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất quê hương.

Ơ, xa đất liền là thế, sao có gạch, sắt thép mà xây? - Có người chợt thốt lên. “Chuyện nhỏ như con thỏ các bác ơi. Có tàu chở các bác tới đảo thì ắt có tàu chở vật liệu xây dựng ra đảo. Mà ngay tại đảo cũng có thể sản xuất gạch không nung. Các bác cứ hỏi cái anh chàng tên Khoa ở xã Đồng Tiến ấy – “chủ vựa” gần như bao thầu cung cấp gạch không nung cho cả Cô Tô đấy” – anh lái xe điện đưa chúng tôi về nhà nghỉ giòn giã bắt chuyện.

Nhà nghỉ có cái tên dễ thương “Kucku” nằm đầu phố Nguyễn Du – con phố cách trung tâm thị trấn chỉ 5 phút chạy xe điện mà xem ra đã bắt đầu xa sự tấp nập của phố thị. Nếu ai chỉ quen với không khí phố phường sẽ kêu nơi đây tẻ nhạt và có phần quê mùa. Cũng vì, từ chỗ nhà nghỉ này không còn quán xá chen chúc mà trước mặt là cả cánh đồng nước mênh mông, thanh vắng.

Nhưng không hẳn vậy. Giữa cái thanh vắng ấy ta lại bắt gặp một ký ức nhộn nhịp xa xưa. Đấy là ký ức của chừng mươi năm trước, nơi cánh đồng mênh mông nước, vào những ngày nắng như đổ lửa này, diêm dân Cô Tô nhộn nhịp, hối hả chắt chiu những mặn mòi của biển. Và, vẫn còn đó những thửa ruộng phơi muối cỏ đang phủ dần…

“Mấy năm trước nhà tôi vẫn cặm cụi trên cánh đồng muối ngay trước mặt cô đó. Nghề muối vất vả lắm – bán mặt cho đất, bán lưng cho trời may ra đủ sống. Khi du lịch phát triển, cũng như nhiều nhà, tôi bỏ nghề xoay ra làm dịch vụ”, ông chủ cửa hàng điện lạnh Hoàng Đính kể.

Chị Tuyết, chủ quán tạp hóa trên phố đi bộ thị trấn Cô Tô lại nhớ những năm 1980, thời chị theo cha mẹ ra đảo làm kinh tế mới. Lúc ấy, Cô Tô vắng vẻ, thưa thớt. Cha mẹ chị cũng như người dân ở đảo luôn cặm cụi với ruộng đồng (cấy lúa và làm muối) rồi ra khơi bám biển. Những con đường chỉ là những lối mòn chạy xa tít tắp. Đêm đêm, ánh đèn dầu hiu hắt. Cô Tô bớt đi vẻ hiu hắt khi được xây dựng trạm phát điện diesel vào năm 1999. Nhưng, vào thời điểm nắng nóng, chuyện bị cắt điện vào giờ cao điểm xảy ra như cơm bữa. Chỉ đến khi điện lưới quốc gia được kéo đến (mới 6 năm qua) và là huyện được phủ sóng wifi đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh thì Cô Tô đã thay áo mới như ngày hôm nay…

Bay bổng cùng biển khơi

Những ô ruộng muối bỏ hoang cỏ đang phủ đầy. Ảnh: T.G
 Những ô ruộng muối bỏ hoang cỏ đang phủ đầy. Ảnh: T.G

Những chiều êm mây quang

Vịnh Bắc Cô Tô ấy

Biển xanh đẹp lạ lùng

Trong suốt nhìn tận đáy

Tôi đem theo những câu thơ ấy của nhà thơ Xuân Diệu được ông viết từ năm 1963 để khám phá biển Cô Tô. Trước tiên là bãi tắm nằm ở phía Tây - Vàn Chảy (xã Đồng Tiến). 30 phút, xe điện băng qua những con đường bê tông bên vệ đường vẫn đỏ au màu đất và càng tiến ra biển càng khúc khuỷu, “lên bổng xuống trầm” cùng đèo dốc.

Vàn Chảy được cho là một trong những bãi biển đẹp nhất Cô Tô nhưng cũng đầy dữ dằn. Những con sóng cuộn cao nối tiếp nhau đổ vào bờ tạo cảm giác mạnh thú vị với người thích mạo hiểm nhưng cũng khiến bao kẻ “tim đập chân run”, chỉ dám đứng trên bờ mà ngắm nghía. Thậm chí đã có nhiều người ngất lịm vì bị sóng đánh, sóng cuốn hay mới đây thôi đã có người phải bỏ mạng nơi đây.

Sau những phút giây đùa nghịch với sóng mệt lử người, du khách có thể nhâm nhi bữa cơm của biển ngay trên bãi cát. Những mực, tu hài, ngao, móng tay, sò điệp… cuộn mình trong giấy bạc được nướng thơm lừng cùng hành mỡ có lẽ là đặc sản ẩm thực của bãi biển này.

Nhưng, thật bí bách khi phải thưởng thức hương vị biển mà thiếu mất gió biển đang bị ngáng lại bởi những chiếc ô lợp lá cọ mọc ken dày. Nhưng, nét hoang sơ nơi đây dường như bị phá vỡ bởi hàng quán được chia ô (theo cổng) cùng dịch vụ khá đắt đỏ. Và, chỉ cần đứng chừng dăm phút chơi với sóng ngay ven bờ là chân có thể quơ cả… nắm rác.

Không thể theo chân nhà văn Nguyễn Tuân “dậy từ canh tư” rồi “cố đi mãi lên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo” (xã Thanh Lân mà nhà văn Nguyễn Tuân viết là Thanh Luân) để “rình Mặt trời lên”, chúng tôi tranh thủ đón bình minh ở bãi đá Móng Rồng hay còn gọi là bãi đá Cầu Mỵ cách thị trấn chừng 2 cây số. Mới hơn 5 giờ sáng nhưng Mặt trời đã cười toe toét cổ vũ những con sóng thi nhau ầm ầm lao đầu vào vỉa đá ngũ sắc chạy dài, đẹp đến lạ kỳ.

Đón bình minh từ Móng Rồng rồi qua bãi tắm Tình Yêu nhảy sóng cũng là một trải nghiệm đầy thú vị. Bãi tắm này nằm ngay cạnh thị trấn Cô Tô mà dường như vẫn giữ được nét hoang sơ của thuở ban đầu. Sóng lớn và nước biển xanh leo lẻo. Bãi cát không bị che chắn mà thoai thoải trải dài theo thủy triều đang rút, lộ rõ những “bông hoa”, theo như giải thích của ngư dân thì đấy là vết chân của sứa.

Sẽ vẫn còn thiếu nếu không rẽ sang hướng Đông để ghé bãi biển Hồng Vàn (xã Đồng Tiến). Dù đã được bác tài xe điện thông tin trước rằng bãi biển này sóng sẽ êm ả nhưng bất ngờ vẫn tiếp nối. Đúng là biển lặng, sóng lăn tăn nhưng Hồng Vàn chứa hiểm nguy ngầm. Nếu vội vã lao ra biển sẽ dễ dàng bị bước hẫng vì phần thoải của bãi biển chỉ chừng vài mét để sau đó là những nấc sâu. Và, đệm dưới đó không phải là cát mà là đá sắc. Biết bao người thấy mặt biển hiền hòa nên lao ra mải mê khám phá nên bị đá xẻ vào chân đau điếng.

Tối. Sau những cuốc đạp xe đôi, xe ba, chúng tôi hóng sự nhẹ nhàng, thảnh thơi ở khu phố đi bộ. Đang là mùa du lịch nên người tản bộ khá đông đúc. Hàng quà từ ẩm thực đến lưu niệm ken dày vỉa hè. Nhưng, đôi lúc bỗng giật thót mình vì những chiếc xe điện, xe máy vút qua. Ở đây, không có rào chắn và cũng không có ai tuýt còi!

Tạm biệt Cô Tô với biết bao nhiêu dư vị khó tả. Dẫu lại phải trải qua chuyến tàu say sóng ngất ngưởng nhưng lòng vẫn dặn lòng nếu có dịp sẽ trở lại nơi đây. Tại sao ư? Vì dẫu sóng dữ dằn, bãi tắm còn vương rác nhưng biển Cô Tô rất đẹp, rất xanh; Dẫu có phần chưa chuyên nghiệp nhưng người Cô Tô (quần tụ từ muôn vùng đất: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên…) đều hiếu khách, thiện lành. Và, vẫn còn đó những bãi tắm Ba Châu, C76, Hải Quân… ở xã Thanh Lân kế bên đang mời gọi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ