Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán. Cụ thể, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng.
Đến hết năm 2019, tổng số đã giao trong dự toán ngân sách Nhà nước của giai đoạn 2016 - 2019 là 244.300 tỷ đồng, số còn lại chưa giao là 115.700 tỷ đồng, bằng 67,9% kế hoạch điều chỉnh của cả giai đoạn.
Số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5 năm nay là hơn 133.000 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch đã giao của giai đoạn 2016 - 2019 và mới chỉ đạt gần 37% kế hoạch trung hạn điều chỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đại diện Bộ Tài chính, nguyên nhân tiến độ giải ngân chậm là do có vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục cho vay lại và thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp, góp phần giải ngân nhanh và thuận lợi hơn cho các dự án nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Cụ thể, khi Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công mới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn.
Đồng thời đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm; đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.