Thất hẹn nhiều lần
Theo ghi nhận trong ngày 3/5, suốt hơn 13km dọc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông không hề có tàu chạy. Các nhà ga vẫn cửa đóng, then cài. Nhiều hạng mục như cầu thang lên xuống vẫn đang ngổn ngang. Mặc dù, các hạng mục sau thi công được quây bạt nhưng dưới điều kiện thời tiết nắng, mưa lâu ngày và không được sử dụng nên một số vị trí thang máy, bờ lan can inox tại hầu hết các ga, đặc biệt là các ga trước bến xe Hà Đông cũ, nút giao thông Thanh Xuân, chợ Thượng Đình… đang bị hoen gỉ.
Như vậy, với việc không khai thác thương mại vào cuối tháng 4 vừa qua, đây đã là lần thứ 8 metro Cát Linh - Hà Đông lỡ hẹn với người dân Thủ đô. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, dự án đã ra 2 lần lỡ hẹn (dịp Tết Nguyên đán 2019 và dịp lễ 30/4). Qua thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được biết, tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện hạng mục kiến trúc các nhà ga và các đơn thể khu depot; mái che thang cuốn các nhà ga; đấu nối thoát nước khu gian ga vành đai 3, cảnh quan, cây xanh... trong khu depot; điện, thẻ vé và hoàn thiện các thủ tục để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao dự án. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thì cho rằng, tổng thầu thiếu kinh nghiệm triển khai dự án, không bố trí nhân lực có trình độ bao quát, cũng như chậm trễ hoàn thành các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, hồ sơ nghiệm thu hoàn thành, hồ sơ hoàn công..., dẫu cơ quan này đã chỉ đạo quyết liệt(?).
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mục tiêu tiến độ mà tổng thầu đặt ra đã không thể đạt được dù cả tổng thầu và ban quản lý dự án đều đang rất nỗ lực. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án vẫn ở trên công trường suốt những ngày nghỉ lễ để đốc thúc tiến độ, “muốn nhanh nhưng chúng tôi vẫn đặt mục tiêu trên hết là đảm bảo tuyệt đối an toàn khi vận hành”. Nghe phân bua thì có vẻ như tất cả các bên liên quan đều đã làm hết trách nhiệm của mình. Thế nhưng, lý do gì để một công trình giao thông quan trọng, vốn đầu tư lớn giữa Thủ đô lại thất hẹn về đích cả chục lần, đội vốn nhiều nghìn tỷ đồng thì dường như tất cả các bên liên quan lại như đang… đứng ngoài cuộc.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khởi công tháng 10/2011 với chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga. Dự án có tiến độ hoàn thành vào tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc). Đến nay dự án đã bị chậm tiến độ hơn 3 năm với 8 lần vỡ tiến độ và đội giá hơn 300 triệu USD (từ 552 lên 891 triệu USD). Chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đường sắt). Tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo tìm hiểu, để đưa các đoàn tàu vào khai thác thương mại, sau khi thi công xong 100% hạ tầng, dự án phải hoàn thiện hai thủ tục quan trọng. Thứ nhất, phải được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá công trình bảo đảm chất lượng. Thứ hai, các đoàn tàu phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định và cấp chứng nhận an toàn. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Báo GD&TĐ, đến nay, các hạng mục của dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục để nghiệm thu tổng thể. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng chưa kiểm định và cấp chứng nhận an toàn cho các đoàn tàu thuộc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Về vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án cũng cho biết, còn nhiều phần việc liên quan, cụ thể là công tác đào tạo nhân sự, nghiệm thu và tiến độ xây dựng tại hiện trường.
Hơn 680 nhân viên vận hành tàu sau khi hoàn tất đào tạo đang được đưa đến các vị trí để thay phiên nhau thực hành cho nhuần nhuyễn. Các hạng mục, hệ thống vận hành cũng đang được thử để kiểm tra sự đồng bộ. Khi hoạt động đơn lẻ thì mỗi thiết bị từ đoàn tàu, thiết bị thông tin, chiếu sáng, thẻ vé... đều trơn tru nhưng khi tích hợp vào hệ thống thì phải căn chỉnh từng tí một. Về tiến độ thi công trên thực địa, đại diện ban quản lý dự án cho biết đã hoàn thành được 99%, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khiến 1% còn lại chậm hoàn thành gồm các hạng mục liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng, thoát nước...
Khi được hỏi mốc thời gian tiếp theo mà Ban Quản lý đưa ra để hoàn thành dự án là khi nào, ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt - đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã giữ thái độ im lặng. Như vậy có thể hiểu, qua mốc 30/4, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn “mịt mù” ngày chạy thật. Người dân Thủ đô Hà Nội vẫn phải dài cổ… chờ. Xin nhắc lại câu hỏi, dù đã được dư luận đặt ra nhiều lần: Việc hàng chục lần “thất hẹn” khiến dự án đội giá lên hàng ngàn tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về ai?