Chăm sóc quá hóa… suy dinh dưỡng

Chăm sóc quá hóa… suy dinh dưỡng

(GD&TĐ) - Theo thống kê mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam đã giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 30% năm 2010 xuống còn 26,7% năm 2012. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ vẫn quan niệm sai lầm về việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, nhất là trong vấn đề bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Cho trẻ uống vitamin A tại huyện Từ Liêm – Hà Nội
Cho trẻ uống vitamin A tại huyện Từ Liêm – Hà Nội

Sai lầm từ cách cho ăn…

Nhiều ông bố bà mẹ thắc mắc: Tại sao mình chăm sóc con kỹ lưỡng, cẩn thận như vậy mà bé vẫn còi cọc? Điển hình là chuyện chăm con của chị Thảo (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Lấy nhau hơn 4 năm mới sinh được bé Sóc, nên vợ chồng chị Thảo chăm sóc con từng li từng tí. Khi chị Thảo hết thời gian nghỉ sinh con, phải đi làm trở lại, ngoài bà ngoại bé Sóc, còn có thêm người giúp việc để bảo đảm dù mẹ vắng nhà nhưng bé Sóc vẫn được chăm sóc tốt nhất. Thế nhưng, đã hơn 4 tuổi mà cân nặng lẫn chiều cao của bé Sóc chỉ như đứa trẻ 3 tuổi, đã thế lại nay ốm mai đau. Ngày bé Sóc chưa đầy năm, nghe chị Thảo than thở về chuyện cả ngày có khi con chỉ ăn vài thìa cháo, tôi đã cảnh báo chị nên xem lại cách nấu nướng đồ ăn cho bé, cách cho ăn, khoảng cách giữa các bữa ăn... nhưng chị bảo, trẻ con có bữa nọ, bữa kia, lo gì... Thế nhưng, khi hiện tượng “cả ngày chỉ ăn vài thìa cháo” của bé Sóc kéo dài cả năm thì chị mới cuống lên cho con đi khám bác sĩ dinh dưỡng. Bé Sóc uống cả mấy túi to các loại men vi sinh, thuốc bổ, thuốc kích ăn... mà vẫn lười ăn, còi vẫn hoàn còi.

Có hôm đến chơi nhà chị Thảo, tôi được chứng kiến cảnh cả nhà chị... rượt đuổi theo bé Sóc như trong phim hành động để cố đút được một thìa cháo vào miệng bé. Kết quả là hết cả tiếng mà bát cháo chỉ vơi được vài thìa, cả bộ váy và khuôn mặt xinh xắn của cô bé be bét cháo. Tôi góp ý: “Sao chị không cho bé ngồi vào ghế ăn đàng hoàng?”, chị Thảo thở dài: “Cứ bắt nó ngồi một chỗ ăn là nó la khóc dữ dội rồi nôn trớ hết. Cả nhà sợ quá nên đành để con chạy nhảy tự do khi ăn”.

… Đến cách nấu ăn

Nếu như gia đình chị Thảo sai lầm khi không rèn cho con nề nếp ăn uống ngay từ nhỏ, thì vợ chồng anh Tuấn chị Trang (quận Đống Đa, Hà Nội) lại có quan niệm không đúng khi nấu ăn cho trẻ. Ngay từ hồi bé Nhím con anh chị 2 tháng tuổi, chị Trang nghe lời mẹ chồng đã ninh xương, ninh các loại đậu đỗ để lấy nước pha sữa cho bé Nhím. Đúng là mấy tháng đầu, bé Nhím phổng phao hơn các bạn cùng trang lứa, ai nhìn cũng thích. Thế nhưng thời gian sau đó, bé bắt đầu biếng ăn dần, hay bị trướng bụng, đi phân sống. Mấy tháng liền bé không tăng lên được lạng nào nên từ chỗ bụ bẫm lại rơi vào bảng suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Vợ chồng chị Trang cứ nghe ai mách có thuốc gì hay chữa bệnh phân sống cho trẻ nhỏ là áp dụng cho con, nhưng tình trạng của bé Nhím vẫn không được cải thiện. Chỉ đến khi bác sĩ ở Viện Dinh dưỡng khuyên anh chị nên ngừng việc pha sữa bằng nước xương hay nước đậu đỗ, tích cực cho bé bú sữa mẹ, chỉ cho bé ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi... thì bệnh của bé Nhím mới đỡ dần.

Cần bổ sung vi chất cho trẻ

Theo báo cáo mới đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hơn 50% trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 12 tuổi thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Những sai lầm của các bậc phụ huynh khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ dễ dẫn tới hậu quả trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Nhu cầu của cơ thể chỉ cần một lượng vi chất rất nhỏ, nhưng nếu thiếu lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, sức khỏe của trẻ em.

Theo PGS. TS Cao Thị Hậu (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), những hậu quả do thiếu vi chất ở trẻ em thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt; còi xương, chậm lớn do thiếu vitamin D; suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm...

Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các bà mẹ nên sử dụng phối hợp 15 - 20 loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, ưu tiên sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương; không bắt trẻ ăn kiêng khi bị bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình lựa chọn, chế biến và đảm bảo thức ăn cho trẻ. Cần lưu ý cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A và tẩy giun 2 lần/năm.

   Nguyễn Thị Thuận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ