Tốc độ già hóa tăng nhanh
Năm 2011, tỷ lệ người trên 60 tuổi của Việt Nam là 10,1%, trên 65 tuổi là 7%. Dự báo Việt chỉ mất 20 năm để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già trên 65 tuổi (2032). Trong đó 67,2% NCT có tình trạng sức khỏe yếu. 90% người cao tuổi có mắc bệnh về tim mạch, thoái hóa khớp, tăng huyết áp…, thêm vào đó trí tuệ, sức khỏe tâm thần cũng sa sút.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung Ương cho biết: Già hóa dân số đang là vấn đề cấp bách của toàn cầu và Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Sự già hóa dân số kéo theo mô hình bệnh tật thay đổi, người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, khiến cho việc điều trị, quản lý, chăm sóc nặng nề hơn.
Nghiên cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, năm 2016 với 610 cụ ở độ tuổi trên 80 tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trung bình 1 NCT mắc 6,9 bệnh; 33,6% lâm vào cảnh góa bụa, 8,2% phải sống một mình, chỉ 17,7% sống với vợ hoặc chồng. Thu nhập trung bình của các cụ là 537,9 nghìn đồng/tháng, chủ yếu từ nguồn bảo trợ xã hội hoặc lương hưu.
Trong số này, chỉ gần 63% số cụ có bảo hiểm y tế, gần 28% cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, di chuyển, không tự chủ, ăn uống. Hiện tại có khoảng 90% NCT cần sự trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ như điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông. Kèm theo đó, nhóm tuổi này cũng thường gặp các vấn đề về bệnh mạn tính cũng như tăng nguy cơ tàn phế. Trong đó, người già thường dễ mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư... phải điều trị suốt đời.
Ít NCT được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt
Với thể trạng và hoàn cảnh như vậy NCT ở Việt đang là lực lượng yếu thế cần được quan tâm và chăm sóc. Tuy nhiên với tình hình thực tế hiện nay, người già tại Việt phần đông chưa được hưởng những dịch vụ chăm sóc để bảo đảm đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Chị Thanh Hương ở tập thể Thành Công (Hà Nội) cho biết: Gia đình chị có hai anh em, tuy nhiên mẹ chồng chị đã lựa chọn giải pháp vào trại dưỡng lão để sống. “Hàng tuần, chúng tôi đều thay phiên nhau đưa con cái lên thăm cụ. Thỉnh thoảng vào dịp lễ tết hay những lúc cụ muốn thay đổi không khí, chúng tôi đều thu xếp đón mẹ về nhà ở cùng.
Theo tôi, mô hình trại dưỡng lão hiện nay khá tích cực vì ở đó các cụ đều có bạn để chia sẻ tâm sự, lại có các bác sĩ, nhân viên điều dưỡng theo dõi sức khỏe đều đặn, con cái cũng yên tâm hơn khi đi làm. Chi phí một tháng cho việc ăn ở, chăm sóc đối với những cụ trí tuệ minh mẫn vẫn làm chủ được các hoạt động hàng ngày là 9 triệu đồng/tháng với 2 cụ sống chung một phòng” - Chị Hương chia sẻ.
Mô hình trại dưỡng lão không mới ở Việt , đây cũng là hình thức chăm sóc người già khá lý tưởng. Song không phải gia đình nào cũng đủ kinh phí để lựa chọn dịch vụ này khi mà quỹ xã hội ở Việt còn hạn chế. Viện dưỡng lão Tuyết Thái ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, (Hà Nội) có các mức giá cũng khá cao. Nếu như con cái và các cụ không có khoản tích lũy riêng thì không có khả năng lựa chọn dịch vụ này.
Chẳng hạn như phòng khu A (dành cho NCT sa sút trí tuệ hay đi lại, không tự chủ được hành vi) có mức giá từ 7,5 tới 12 triệu đồng/tháng. Phòng khu B (dành cho NCT có tinh thần minh mẫn, chân tay có thể khoẻ hoặc yếu cần sự hỗ trợ của điều dưỡng viên) thấp nhất cũng là 7,5 triệu đồng/tháng...
Năm 2016-2017, một khảo sát về thực trạng nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội cho thấy mô hình trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn Hà Nội mới chỉ có 3 trung tâm bảo trợ xã hội. Theo thống kê, 10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc. Bên cạnh sự hạn chế về nhân lực thì cơ sở vật chất tại các trung tâm cũng thiếu thốn, dụng cụ tập phục hồi chức năng không đầy đủ.
Trao đổi về khó khăn trong cuộc sống của NCT, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: Nếu như hệ thống an sinh xã hội cho trẻ em được xây dựng rất hoàn thiện với các nhà trẻ tại các địa phương thì chúng ta vẫn chưa có hệ thống “nhà già”.
Rất nhiều bệnh viện đa khoa trên cả nước không có Khoa Lão Khoa. Ở Việt Nam, khá nhiều NCT không sinh hoạt theo mô hình truyền thống kiểu tam đại, tứ đại đồng đường nữa mà chủ yếu sống trong ngôi nhà hai thế hệ. Nhiều người già đang phải sống cô đơn, an sinh xã hội cho NCT vẫn còn nhiều vấn đề bất cập...