Bên cạnh đó, ngành không quên chăm lo cho thế hệ trẻ (con thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng) đang học tập, công tác trong ngành.
Chăm lo cho giáo viên gia đình chính sách
Vào mỗi dịp kỉ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội) lại trang trọng tổ chức buổi gặp mặt các cán bộ giáo viên là con thương binh, liệt sĩ đang công tác tại trường. Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo nhà trường hỏi thăm, động viên và tri ân sâu sắc đến các gia đình thương binh, liệt sĩ đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ông Trần Đình Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong nhiều năm qua, nhà trường luôn quan tâm, động viên, chia sẻ và giúp đỡ các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ nói chung và đặc biệt là con thương binh, liệt sĩ đang làm việc tại trường. Việc thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đã đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước, rèn luyện phẩm chất chính trị cho các cán bộ giáo viên, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cán bộ giáo viên là con thương binh, liệt sĩ đang công tác tại trường, những người con lớn lên đầy thiệt thòi khi thiếu bàn tay của người cha dìu dắt, hay chứng kiến những cơn đau của cha mẹ khi để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Nhưng trong quá trình công tác, các thầy cô vẫn luôn vững bước, không ngừng học hỏi, phấn đấu, tu dưỡng bản thân, đảm nhiệm tốt các công việc được giao.
Cô Nguyễn Thị Thư (có bố là liệt sĩ) - giáo viên Trường Mầm non Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) luôn nhận được sự thăm hỏi động viên cùng những phần quà của lãnh đạo Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành GD-ĐT Hà Nội vào dịp 27/7. Cô Thư cho biết, những món quà này là sự động viên tinh thần quý giá giúp cô vượt qua khó khăn để yên tâm công tác.
Cô Thư không xây dựng gia đình và nhận 1 trẻ mồ côi làm con nuôi. Tuy nhiên, một thời gian sau, cô phát hiện con mình mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Từ đó, cô Thư bắt đầu hành trình đưa con đi chữa bệnh. Tiền lương của cô chỉ dành phục vụ cho việc đi viện và tiền thuốc cho hai mẹ con.
Ngôi nhà hai mẹ con đang sống lợp ngói, vách đất, nền đất đã cũ, thấp trũng, lúc mưa thường xuyên bị ngập và dột, ngày nắng thì nóng đến khó thở. Do đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã quyết định hỗ trợ cô tiền xây nhà mới, giúp mẹ con cô sớm ổn định cuộc sống.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Bà Trịnh Hoài Thu - Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT cho biết: Tri ân đối tượng chính sách là hoạt động thường niên của Công đoàn Cơ quan Bộ GD&ĐT. Tháng 7 hàng năm, Công đoàn đều tổ chức chuyến đi về nguồn cho thương binh, con liệt sĩ, con thương binh là các cán bộ công chức đang công tác trong cơ quan Bộ.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ còn tổ chức buổi gặp mặt để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn tới những thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh, thân nhân thương bệnh binh đang công tác tại Bộ GD&ĐT. Việc quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ viên chức là đối tượng chính sách trong cơ quan Bộ được thực hiện thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Trong những cuộc chiến tranh đã qua, cùng với đồng bào, chiến sĩ, nhiều thế hệ thầy cô giáo, sinh viên đã gác bút nghiên, lên đường bảo vệ đất nước, trong đó, không ít người đã ra đi.
Ngành Giáo dục đã và đang có những hành động thiết thực, ý nghĩa, cảm động để bày tỏ lòng tri ân và biết ơn tới các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và thân nhân. Nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương được các lớp, chi đội, chi đoàn chăm lo; tôn tạo, xây dựng đài tưởng niệm thầy cô, học sinh, sinh viên hy sinh ở các chiến trường.
Trong các chuyến công tác, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến dâng hương tưởng niệm và tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ: Trường Sơn (Quảng Trị), Vị Xuyên (Hà Giang), Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành GD-ĐT (Tây Ninh).
Thực hiện chương trình “Phối hợp chăm sóc, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc”, đến nay, hầu hết di tích lịch sử văn hóa, đền đài, nghĩa trang liệt sĩ đã được bàn giao cho các trường học trên địa bàn để chăm sóc thường xuyên, thắp hương tưởng niệm vào các dịp lễ lớn. Nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ được nhà trường nhận chăm sóc, giúp đỡ.
Việc nhận chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, gia đình có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng... không những giúp học sinh nâng cao ý thức tham gia lao động tập thể mà thực sự góp phần giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn các thế hệ đi trước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ý thức phấn đấu trong học tập, tu dưỡng.