Chăm lo 'máy cái'

GD&TĐ - Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gốc của vấn đề được xác định là cần có chiến lược về đội ngũ nhà giáo.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư cho các cơ sở đào tạo giáo viên và đội ngũ giảng viên sư phạm.

Vẫn biết, người học là trung tâm trong hoạt động giáo dục, giảng dạy; song triết lý “Thầy giỏi mới có trò giỏi”, “Không có giảng viên tốt sẽ không có giáo viên tốt” vẫn luôn đúng và có giá trị trong thực tiễn đổi mới giáo dục, đào tạo. Nói như vậy để thấy rằng, vai trò và vị trí của người thầy cần được quan tâm tương xứng.

Không phải ngẫu nhiên mà xã hội mong muốn và đặt niềm tin: Giáo dục nước nhà sẽ phát triển bền vững. Song để vun đắp cho niềm tin ấy, điều cần làm là chú trọng đến hệ thống các trường sư phạm. Đây được coi là “máy cái”, là “công nghiệp nặng” của ngành Giáo dục. Trong dòng chảy ấy, không thể không nhắc tới đội ngũ giảng viên sư phạm.

Nói như GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chất lượng sư phạm không tốt và chất lượng nhà giáo không đảm bảo thì đừng nói gì đến chất lượng giáo dục. Do đó, chúng ta không chỉ quan tâm mà phải đầu tư nguồn lực và có chính sách, biện pháp, cơ chế tạo động lực để các trường sư phạm nói chung, đội ngũ giảng viên nói riêng phát triển.

Thực tế, đã có nhiều chính sách đối với giảng viên, giáo viên, góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển; trong đó có giáo dục đại học nói chung và các trường sư phạm nói riêng. Song, cũng cần nhìn vào thực tiễn để thấy rằng, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên cần được cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện cho giảng viên cống hiến nhiều hơn nữa.

Chẳng hạn như, không thể cào bằng các chính sách đãi ngộ với giảng viên sư phạm. Muốn vậy, cần có sự phân biệt rõ với giảng viên sư phạm tài năng, có nhiều đóng góp cho khoa học giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Những người giỏi, có thành tích xuất sắc phải được đãi ngộ tương xứng.

Ngoài ra, các trường sư phạm nhanh chóng xây dựng danh mục giảng viên chủ chốt ở tất cả môn học. Đội ngũ này cần tham gia tích cực để góp ý cho môn học theo hướng bám sát thực tiễn. Đồng thời, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các trường phổ thông nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Cùng với đó, bài toán về tái cấu trúc các trường sư phạm cũng cần tính đến, bởi đây là xu hướng tất yếu. Lẽ tất nhiên không vì thế mà triển khai vội vàng, mà cần có lộ trình, với những bước đi chắc chắn. Trong đó cần đánh giá kỹ thực trạng các trường sư phạm hiện nay để tìm ra vấn đề còn vướng và tham chiếu với kinh nghiệm của một số nước.

Đây là thời điểm, cơ hội tốt nhất để chúng ta tái cấu trúc, bởi cả xã hội đang mong đợi các trường sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, cơ sở căn cứ vào nhu cầu để có quy trình, cách đi phù hợp; trong đó có việc chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên để ngành Giáo dục ngày càng có nhiều giáo viên tốt được đào tạo, bồi dưỡng bởi giảng viên tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.