Mới đây, hàng loạt mỏ khoáng sản mà chủ yếu là mỏ cát trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đã có chủ sau khi kết quả đấu thầu đã được công bố trên các phương tiện truyền thông, chấm dứt hẳn cơ chế xin - cho dưới mọi hình thức đối với việc khai thác cát trên dòng sông này.
Hiệu quả kinh tế mang lại từ việc đấu thầu này ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Ví như mỏ cát nằm trên sông Trà đoạn chảy qua hai xã Tịnh An và Nghĩa Dũng thuộc TP Quảng Ngãi, diện tích 53,4 hecta, trữ lượng ước khoảng 3,4 triệu mét khối, giá đưa ra ban đầu là 26 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp trúng thầu cuối cùng với giá 380 tỷ đồng, gấp gần 15 lần giá khởi điểm.
Chỉ một mỏ cát ấy thôi mà Nhà nước đã thu về hàng trăm tỷ đồng nhờ vào việc đấu thầu này. Nếu như những năm trước đây, doanh nghiệp nào “chạy” giỏi thì họ chỉ việc nộp thuế tài nguyên và một số chi phí khác không đáng kể, còn lại là tha hồ xúc cát bán cho các doanh nghiệp khác đang có công trình xây dựng.
Tình trạng xin - cho xảy ra từ nhiều chục năm nay, không những gây thất thoát lớn cho ngân sách, mà còn xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực giữa doanh nghiệp xin cát với những người làm nhiệm vụ cấp phép khai thác.
Đặc thù của các con sông miền Trung là ngắn, độ dốc cao, lại chảy qua nhiều địa hình toàn núi rừng nên việc mang cát từ thượng nguồn về rất nhiều. Vào mỗi mùa lũ, các dòng sông đều hung dữ, nước không những ngập hết lòng sông, mà còn tràn bờ, gây cảnh lụt lội kinh hoàng cho cư dân ven sông.
Sau mỗi mùa lũ, dòng sông không chỉ để lại phù sa màu mỡ cho các cánh đồng, mà còn ban tặng cho con người nguồn cát trắng.
Khác với các con sông ở miền Bắc hoặc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là phải dùng máy hút hoặc xáng cạp, cát ở những dòng sông miền Trung không lẫn với bùn đất, mà là cát sạch do được sàng lọc tự nhiên từ thượng nguồn, lại nằm lộ thiên sau mùa lũ.
Chỉ cần xúc lên là sử dụng luôn, không phải rửa như ở khu vực sông Hồng hoặc sông Cửu Long. Một lợi thế nữa, đó là qua mỗi mùa lũ lớn, lượng cát từ thượng nguồn đổ về lấp đầy các vị trí đã xúc. Doanh nghiệp khai thác cát mạnh dạn bỏ thầu cao có lẽ dựa vào đặc điểm này.
Trở lại với việc đấu thầu mỏ cát trên sông Trà. Không chỉ mỏ cát 53,4 hecta nói trên mà trong thời gian gần đây, hàng loạt mỏ cát khác trên sông Trà cũng được đấu thầu công khai, thu về cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Không còn cảnh quen biết chạy chọt cửa sau, do đấu thầu được thông báo rộng rãi nên nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh khác cũng trúng thầu chứ không chỉ các doanh nghiệp trong tỉnh.
Điều này chứng tỏ sự minh bạch của chính quyền trong việc đấu thầu, không những chấm dứt xin - cho, mà còn chấm dứt luôn tình trạng “quân xanh - quân đỏ” trong đấu thầu nữa. Hễ doanh nghiệp nào bỏ giá cao nhất là trúng chứ không có chuyện ưu tiên quen biết.
Điều mong muốn của người dân không chỉ là việc đấu thầu các mỏ cát, mà tất cả những gì thuộc về tài nguyên quốc gia, muốn khai thác cũng phải được đấu thầu công khai, minh bạch. Vì hiện rất nhiều mỏ đá, mỏ đất dọc theo đường cao tốc, các quốc lộ cũng được nhiều doanh nghiệp dòm ngó nhưng bằng tư duy xin - cho chứ không phải để đấu thầu.