Sau nhiều năm, Aakriti nhận ra việc tập trung vào sách giáo khoa không thể trang bị cho cô những kỹ năng cần thiết trong thị trường việc làm.
Nhận định về phương pháp giảng dạy trong trường phổ thông và đại học Ấn Độ, nữ nhà văn bày tỏ: “Cơ bản là giống nhau. Cả hai môi trường đều thiếu đào tạo cho học sinh, sinh viên kỹ năng sống. Tôi phải tự vượt qua lỗ hổng này bằng cách tham gia các hoạt động ngoại khóa”.
Trong thời đại tiến bộ công nghệ giúp tiếp cận kiến thức dễ dàng, phương pháp giảng dạy “lấy giáo viên làm trung tâm” không thể trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng mềm cần thiết cho công việc sau này.
Đây là thực trạng của ngành giáo dục nhiều quốc gia Nam Á, nơi hệ thống giáo dục tiếp tục truyền thụ kiến thức chỉ thông qua sách giáo khoa và học thuộc lòng.
Thông tin trên được chia sẻ trong hội thảo trực tuyến “Khoảng cách giữa trường học và giáo dục thực tế” do Quỹ Friedrich Naumann vì Tự do, Nam Á, đồng tổ chức vào ngày 7/12.
Tham dự hội thảo, doanh nhân người Sri Lanka, Heminda Jayaweera, Chủ tịch Quỹ Heminda Jayaweera vì Tự do, cho biết, hiện nay, hầu hết các vị trí tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên có tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm...
Nếu thiếu các kỹ năng mềm, thanh niên phải mất 6 – 7 tháng để thích nghi với môi trường làm việc. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ công việc lẫn khả năng phát triển của cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia Nam Á, giáo dục vẫn chú trọng vào sách giáo khoa và những bài kiểm tra, thiếu đi kiến thức và trải nghiệm thực tế. Điều này vô tình tước đi cơ hội trau dồi kỹ năng mềm của học sinh, sinh viên.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Suresh Gautam, Trưởng khoa Giáo dục Phát triển, ĐH Kathmandu, Nepal, lấy ví dụ, hiện nay Nepal có khoảng 380 khóa đào tạo ngắn hạn. Tuy nhiên, số lượng thanh niên thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Vấn đề nằm ở chỗ các chương trình đào tạo chưa giúp người học tạo nên thu nhập. Nhiều người đã bỏ đến Qatar để xây dựng sân vận động cho World Cup 2022.
Mong muốn thay đổi ngành Giáo dục cũng là ý tưởng của Bộ trưởng Giáo dục Sri Lanka Susil Premajayantha. Trong thời gian gần đây, ông Susil bày tỏ mong muốn chuyển đổi thay vì cải cách các chính sách giáo dục của nước này.
Các kế hoạch đang được tiến hành nhằm đưa dự án thí điểm vào năm 2023, trong đó đào tạo kỹ thuật và dạy nghề sẽ diễn ra song song với chương trình GDPT.
Cụ thể, chương trình mới sẽ bắt đầu từ lớp 1. Học sinh sẽ được tiếp xúc với tiếng Anh. Quá trình bồi dưỡng giáo viên sẽ diễn ra trong vòng 3 tháng đầu năm. Công nghệ thông tin từ môn tự chọn sẽ được đưa vào thành môn học chính khóa.
Bên cạnh đó, học sinh sẽ được tiếp cận môn giáo dục địa phương với nội dung tuỳ thuộc vào khu vực sinh sống. Ví dụ, các em được học về ngành sản xuất trà, cao su hoặc đá quý tuỳ theo khu vực để có thêm động lực theo đuổi nghề nghiệp này trong tương lai.
Từ lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn giữa học lên cao hơn hoặc học nghề.
Theo ông Susil, các nhà giáo dục, phụ huynh và người dân cần thay đổi tư duy giáo dục để giúp đất nước thoát khỏi phương pháp giảng dạy truyền thống, hướng đến trang bị kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.