Ngày 1/11, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố báo cáo chỉ ra giáo dục tư nhân tại Nam Á đang phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Áp lực thi cử, sự không hài lòng với hệ thống giáo dục công được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ đăng ký vào các trường tư thục ở Nam Á tăng vọt.
Báo cáo dựa trên nghiên cứu so sánh toàn cầu của UNESCO với 6 đối tác phi chính phủ trong khu vực và khảo sát ở một số quốc gia như Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Iran...
Trong những năm qua, các trường tư thục với học phí thấp đã nở rộ. Nhiều trường cung cấp chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên tăng tính hấp dẫn trong mắt phụ huynh địa phương.
Ước tính, 93% trẻ em ở Iran hiện đang học trường tư. Ở cấp tiểu học, con số này lần lượt là 1/4 học sinh Nepal, 1/3 học sinh Pakistan và gần 1/2 học sinh Ấn Độ.
Ở lĩnh vực giáo dục đại học, các trường tư phát triển nhanh do khu vực giáo dục công còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo... Đơn cử, năm 2020, hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh tại Afghanistan dành cho các trường tư.
Tuy nhiên, UNESCO cảnh báo hệ thống giáo dục và thị trường lao động cạnh tranh đã dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tăng vọt, từ đó gia tăng áp lực tài chính cho các hộ gia đình. Báo cáo kiến nghị chính phủ các nước tăng cường quan tâm lĩnh vực giáo dục công, kiểm soát hoạt động của khu vực tư nhân để bảo đảm công bằng, bình đẳng giáo dục.