Theo đại diện tổ chức UNICEF Việt Nam, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, kể cả Bộ Luật Lao động chưa có một định nghĩa chính thức rõ ràng về “lao động trẻ em”. Chính vì vậy, Bộ Luật Lao động sửa đổi cần bổ sung định nghĩa chuẩn, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
Định nghĩa này sẽ giúp tập hợp nhiều quy định hiện hành nhằm ngăn ngừa tác động tiêu cực của lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động phù hợp, giữa những kiểu công việc trẻ em có thể được thuê làm.
Luật trẻ em (Điều 26) nêu rõ trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị bóc lột lao động dưới bất ký hình thức nào. Điều 26 cũng giải thích các yếu tố cấu thành việc bóc lột lao động. Tuy nhiên, quy định trong điều 26 chỉ áp dụng cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Bộ Luật Lao động tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người chưa thành niên (điều 162 và 163) liên quan đến “công việc nặng nhọc và độc hại” và thời gian làm việc/tiền công tối thiểu. Tuy vậy, có thể nói là điều này vẫn còn hạn chế và không đưa ra cách giải thích tương tự về các yếu tố cấu thành nạn “bóc lột lao động trẻ em” cho những người dưới 18 tuối.
Trong Bộ Luật Hình sự, Việt Nam đã hình sự hóa một số hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Tuy nhiên, theo cam kết quốc tế, Việt Nam cần đưa ra những hình phạt hình sự và “các hình phạt khác” để ngăn chặn và ứng phó với các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Ngoài ra, Bộ Luật Lao động cần tăng cường các hình phạt dân sự với những đối tượng thực hiện các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (như bóc lột trẻ em qua lao động cưỡng bức, buôn bán ma túy, mại dâm và khiêu dâm).
Trong Luật Trẻ em đã có các quy định rõ ràng về bảo vệ trẻ em khỏi nạn buôn người, xâm hại và bóc lột tình dục, bóc lột lao động và các chất gây nghiện nhưng chỉ trẻ dưới 16 tuổi mới được hưởng quyền này. Do đó, các quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trong Bộ Luật Lao động phải đảm bảo cho cả trẻ em dưới 18 tuổi khỏi những hình thức lao động tồi tệ nhất này.
UNICEF khuyến nghị Bộ Luật Lao động cần bổ sung định nghĩa về “lao động trẻ em”, quy định rõ về việc cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đồng thời bổ sung thêm các quy định về hình phạt dân sự mạnh tay hơn đối với những đối tượng thực hiện các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất nhằm bảo vệ mọi trẻ em dưới 18 tuổi khỏi bị bóc lột và lạm dụng trên cơ sở phù hợp với các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế về quyền trẻ em.