Chấm dứt cơn đau dai dẳng suốt 2 năm cho thanh niên 18 tuổi

GD&TĐ - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận điều trị một thanh niên 18 tuổi bị đau dai dẳng 2 năm do chấn thương vùng đùi sau khi chơi thể thao.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long thăm khám bệnh nhân.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long thăm khám bệnh nhân.

Thanh niên nói trên là T.T.S (18 tuổi, địa chỉ tại tỉnh Vĩnh Long) vào viện trong tình trạng đau vùng đùi phải khoảng 2 năm nay, đã có điều trị nhiều nơi nhưng khi hết thuốc thì cơn đau tái đi, tái lại.

Trước đó, T tham gia sinh hoạt câu lạc bộ thể thao trong thời gian 9 năm, thường xuyên vận động mạnh ở phần chân.

Trong quá trình tập luyện em bị chấn thương, chỉ nghĩ là đau phần mềm, nghỉ ngơi thấy đỡ nên chơi tiếp. Đến khi đau dữ dội, không chịu được, S mới đi khám.

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, người bệnh được chẩn đoán căng cơ - chấn thương mãn. Sau khi hội ý, ekip bác sĩ đã quyết định điều trị cho người bệnh bằng các phương pháp tập vật lý trị liệu và không sử dụng thuốc.

Sau 10 ngày thực hiện vật lý trị liệu và các bài tập theo chỉ định của bác sĩ, tình trạng đau của S thuyên giảm rõ rệt. Dự kiến điều trị 1 đến 2 tuần nữa tại Khoa Vật lý trị liệu, sau đó S sẽ tự tập bài tập tại nhà và điều chỉnh chế độ luyện tập thể thao phù hợp theo hướng dẫn, tái khám theo lịch của bác sĩ.

Bác sĩ thực hiện vật lý trị liệu.

Bác sĩ thực hiện vật lý trị liệu.

BS.CKI. Huỳnh Hữu Nghĩa - Trưởng Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, các chấn thương mãn thường gặp là căng cơ xảy ra ở cơ hoặc gân. Nếu nhẹ thì một nhóm cơ hoặc gân sẽ bị căng quá mức.

Nếu chấn thương nặng có thể rách một phần hoặc toàn bộ gân cơ, thường gặp chấn thương nhóm gân cơ chóp xoay của vai, chấn thương khuỷu tay, chấn thương gây đau gối mãn tính, chấn thương gân gót, chấn thương gãy xương.

Nguyên nhân của các chấn thương này có thể do những lỗi kỹ thuật khi tập, phương pháp tập luyện sai cách hoặc chọn môn thể thao không phù hợp thể lực. Các chấn thương ban đầu đôi khi rất khó nhận biết do đau không điển hình và ít được quan tâm hoặc chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới đi khám.

Có nhiều trường hợp người bệnh còn tự ý điều trị bằng thuốc nam, châm cứu, xoa bóp, đắp thuốc không rõ nguồn gốc… làm cho bệnh càng nặng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.

BS Nghĩa cũng lưu ý thêm, khi có biểu hiện như đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động… hoặc bị chấn thương sau khi tập luyện thể thao cần đến khám tại các bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, bệnh nhân không nên chủ quan, tự ý dùng thuốc theo quảng cáo hoặc dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc, có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.