Cha - Người thầy lớn nhất của tôi

GD&TĐ - Vậy là tháng 11 đã về gõ cửa. Tiết trời đang dần chuyển mình từ Thu sang Đông, đâu đó người ta còn một chút luyến tiếc mùa thu vàng óng nhưng lại cũng háo hức đón chờ cái lạnh của mùa đông. Hòa chung không khí chuyển mùa cũng là lúc cả nước đang nô nức đón chào ngày 20/11 - Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, ngày tôn vinh những người đã, đang làm nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Nghề dạy học là nghề cao quý
Nghề dạy học là nghề cao quý

Tôi luôn có tâm trạng nôn nao mỗi khi tháng 11 đến, dù rời xa nghề dạy học đã mấy năm nay. Một chút tiếc nuối, một chút bâng khuâng, nhưng rất nhiều chút nhớ. Tôi nhớ bục giảng của mình, tôi biết ơn người đã truyền cảm hứng niềm đam mê cho tôi. Người mà từ khi tôi biết ê a đánh vần, biết cầm bút cho đến ngày hôm nay. Người luôn nghiêm khắc với tôi, chưa một câu khen ngợi dù tôi có cố gắng đến bao nhiêu. Đó là người thầy, người lãnh đạo, người đồng nghiệp tôi vô cùng kính trọng: Cha tôi!

Cha tôi ngày hôm nay không còn trẻ nữa, sự uy nghiêm của một nhà quản lý giáo dục đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng cha vẫn là một người thầy mẫu mực hàng ngày nghiên cứu tài liệu, sửa luận án, luận văn cho các học viên và NCS. Một tuần cha đi dạy 2 - 3 buổi, thời gian còn lại cha dành để nghỉ ngơi, du lịch và chăm con cháu. Hình ảnh rất đời thường hàng ngày mà tôi không bao giờ quên là cha bế con gái út của tôi, mẹ cầm balo nhỏ đưa bé đến trường. Sau đó hai ông bà đi ăn sáng, uống café cùng với các bác hưu trí trong khu, buổi chiều cha làm việc rồi đi bộ, đến giờ ông bà lại cùng nhau đi đón cháu… Cuộc sống thật yên bình và đáng ngưỡng mộ làm tôi cũng ao ước sau này về già có được cái hạnh phúc nhỏ nhoi bình dị đó.

Cuộc sống hàng ngày nhiều áp lực khiến tôi có những lúc vô tâm đến vô tư khi không có thời gian quan tâm đến người sinh thành ra mình. Nhưng cứ đến tháng 11, người tôi nhớ, muốn viết, muốn cảm ơn và tự hào nhất vẫn luôn là cha. Người thầy đầu tiên và bền bỉ nhất trong tôi.

***

Ngay từ khi cắp sách đến trường thì người dạy tôi nét chữ đầu tiên, người hàng ngày đèo tôi trên chiếc xe đạp cũng là cha. Khi tôi vào lớp Một thì cha đã là hiệu trưởng trường cấp 1 - 2 với tuổi đời còn khá trẻ, có thể nói thành công đến với cha khá sớm nhưng không hề bằng phẳng.

Một người lính khi còn ngồi trên ghế nhà trường, một sinh viên sư phạm với thương tật đầy mình trở về từ chiến trường, cha chưa bao giờ thôi ngừng phấn đấu. Ngôi trường nơi cha công tác trong trí nhớ non nớt của tôi chỉ có dãy nhà cấp bốn vách nứa. Khu nhà tập thể thì hổng trước trống sau. Các thầy cô đi dạy nhưng nỗi lo cơm áo còn oằn trên vai, ai cũng phải có một nghề tay trái để kiếm sống. Cha cũng không khác là bao, cha từng kể về những chuỗi ngày rời trường về nhà là tất bật kế xoay xở đủ nghề để bù đắp cho đồng lương còm cõi thời bao cấp nuôi gia đình nhỏ.

Vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu 90 rất nhiều giáo viên muốn bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn, học sinh bỏ trường để theo cha mẹ mưu sinh. Cha lại phải hàng ngày bám trường, lớp để động viên đồng nghiệp không bỏ nghề, cùng các thầy cô đến từng nhà học sinh để động viên họ đến lớp. Năm tháng qua đi, những thế hệ học sinh năm ấy nhiều người đã thành công trên con đường chính trị hoặc là những ông chủ giàu có. Gặp lại cha, họ cung kính gọi “thầy” xưng “em” như ngày nào còn đi học…

Nét đẹp tuổi học trò

Nét đẹp tuổi học trò

***

Con đường thành công của cha không trải đầy hoa hồng mà nó nhiều thác ghềnh và chông gai. Cha luôn dạy chúng tôi không bao giờ được bằng lòng với những gì mình có. Chúng tôi luôn phải cố gắng hết mình để cha mẹ vui lòng, dù đôi lúc chúng tôi cũng không làm được như cha mẹ mong muốn. Ai mới gặp cũng cho rằng, chúng tôi được sinh trưởng trong một gia đình sung sướng và nhàn hạ. Nhưng không, ngay từ nhỏ chúng tôi đã phải làm hết mọi việc mà có thể những đứa trẻ cùng trang lứa không phải làm. Vì khi ấy cha thì mải mê phấn đấu và vô cùng nghiêm khắc còn mẹ thì bận công việc. Chúng tôi cứ lớn lên trong sự uốn nắn của cha mẹ, cuối cùng thì chỉ mình tôi theo nghề giáo nối nghiệp cha, nhưng cũng không theo được trọn vẹn.

Cuộc sống đưa đẩy đã khiến tôi phải rẽ ngang, chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới. Cha không ngăn cản, cũng như cha đã tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp trước đó của anh chị tôi. Nhưng tôi biết cha buồn, không muốn cô con gái út của mình phải lăn lộn mưu sinh…

Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Cha là thầy giáo đầu tiên của tôi, uốn nắn những nét bút đầu đời, tập cho tôi đánh vần từng câu thủơ bắt đầu làm quen với mặt chữ. Cha dạy cho tôi những điều trường lớp, thầy cô không dạy, để tôi đủ vững tin bước vào đời. Cha - người thầy lớn nhất của tôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ