Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con nghiện Tik Tok?

GD&TĐ - Nhiều nghiên cứu cho thấy dấu hiệu trẻ em dễ nghiện TikTok. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn với con, giúp trẻ xây dựng thói quen lành mạnh

Trẻ em khó có thể tập trung làm việc khác nếu thường xuyên lướt TikTok. Ảnh minh họa.
Trẻ em khó có thể tập trung làm việc khác nếu thường xuyên lướt TikTok. Ảnh minh họa.

Nhiều nghiên cứu cho thấy dấu hiệu trẻ em dễ nghiện TikTok. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn với con, đồng thời, giúp trẻ xây dựng thói quen và nhịp sống lành mạnh.

Khủng hoảng sức khỏe tâm thần

Trong những tháng gần đây, TikTok đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về những lo ngại mà nền tảng mạng xã hội này mang lại. Trong bối cảnh này, các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ lưỡng tác động mà TikTok có thể gây ra đối với những người dùng trẻ tuổi nhất.

Thực tế, đây không phải là nền tảng xã hội duy nhất được các nhà lập pháp và chuyên gia sức khỏe tâm thần xem xét kỹ lưỡng về tác động đối với thanh, thiếu niên.

Trước đó, Trường Công lập Seattle (Mỹ) đã kiện các công ty truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, Snapchat và YouTube. Tổ chức này cáo buộc, những nền tảng trên đã “gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần cho thanh, thiếu niên”. Từ đó, khiến hệ thống trường học khó “hoàn thành sứ mệnh giáo dục của mình”.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà tâm lý học, Tiến sĩ Jean Twenge (Mỹ) cho biết, thuật toán của TikTok “rất phức tạp” và “hấp dẫn”. Điều đó giúp thanh, thiếu niên tương tác trên nền tảng này lâu hơn. TikTok đã tích lũy được hơn một tỷ người dùng toàn cầu.

Nền tảng phân tích kỹ thuật số SensorTower phân tích cho thấy, trung bình trong năm 2022, những người dùng này đã dành 1,5 tiếng mỗi ngày cho TikTok. Đây là con số nhiều hơn bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào khác.

“Rất nhiều thanh, thiếu niên mô tả trải nghiệm khi truy cập TikTok và dự định dành 15 phút. Song, sau đó, họ dành hai giờ hoặc lâu hơn. Đó là vấn đề bởi vì một thiếu niên càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, họ càng có nhiều khả năng bị trầm cảm. Điều đó đặc biệt đúng đối với những trường hợp sử dụng cực đoan”, Tiến sĩ Twenge cho biết.

Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể làm tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong dài hạn - một phần do công nghệ. Các nhà tâm lý học cho biết, khi điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội phát triển vào khoảng năm 2012, tỷ lệ trầm cảm ở thanh, thiếu niên cũng tăng theo.

Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất kích thích Mỹ thông tin, từ năm 2004 - 2019, tỷ lệ trầm cảm ở thanh, thiếu niên tăng gần gấp đôi. Đối với các cô gái tuổi teen, điều đó còn tồi tệ hơn. Theo Tiến sĩ Twenge, đến năm 2019, cứ 4 cô gái Mỹ thì có 1 người bị trầm cảm.

Tiktok khiến nhiều chuyên gia lo ngại về việc gây khủng hoảng sức khoẻ tâm thần trẻ. Ảnh minh họa.

Tiktok khiến nhiều chuyên gia lo ngại về việc gây khủng hoảng sức khoẻ tâm thần trẻ. Ảnh minh họa.

Dễ gây nghiện

Theo Pew Research, phần lớn thanh, thiếu niên cho rằng, mạng xã hội có thể là không gian để kết nối và sáng tạo. Theo Pew, 8/10 thanh, thiếu niên trong độ tuổi 13 - 17 nói rằng, mạng xã hội khiến họ cảm thấy gắn kết hơn với những gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn bè. Trong khi đó, 71% cho biết, mạng xã hội là nơi họ có thể sáng tạo.

Không có gì ngạc nhiên khi công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Đồng thời, điều không thể phủ nhận là trẻ em và thanh, thiếu niên nhận được nhiều lợi ích khi truy cập Internet cũng như các kênh truyền thông xã hội khác nhau. Song, ảnh hưởng tiêu cực mà mạng xã hội mang lại cũng là điều khó tránh. Nhiều nghiên cứu gần đây đã tìm thấy những dấu hiệu “chắc chắn” cho thấy, trẻ em dễ nghiện TikTok.

Cha mẹ có thể lo lắng về nội dung mà trẻ đang xem, tình trạng bắt nạt mà chúng có thể gặp phải và liệu con mình có bị nghiện hay không. Nghiện Internet là có thật và tình trạng này bắt đầu được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Vậy nên, sẽ lý tưởng hơn nếu cha mẹ và các chuyên gia y tế có thể nhận biết được dấu hiệu khi trẻ bắt đầu nghiện mạng xã hội.

Theo PsyPost, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, có thể có một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy một đứa trẻ nghiện TikTok. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Addictive Behaviors. TikTok là một trong những trang mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay và nó đã thực sự thành công ngay từ đầu đại dịch Covid-19.

Nghiên cứu đã xem xét 354 sinh viên đại học, trong đó, có 173 người đang sử dụng TikTok và cho thấy, có một số chủ đề phổ biến khi nói đến chứng nghiện TikTok. Tình trạng này liên quan đến việc xem xét cách trẻ cư xử khi không được sử dụng nền tảng này. Cụ thể, khi không được sử dụng TikTok, trẻ em và thanh, thiếu niên có cảm giác trở nên lo lắng, cáu kỉnh, hoặc buồn bã.

Các nhà nghiên cứu tuyên bố, những ứng dụng như TikTok và nền tảng truyền thông xã hội khác, có thể kết nối tuyệt vời và cho phép người dùng thể hiện bản thân. Song, những nền tảng này không giúp đỡ những đứa trẻ đang cảm thấy cô đơn hoặc có vấn đề về lòng tự trọng. Chúng thường được sử dụng như một cách để người dùng thoát khỏi thế giới thực. Trẻ cũng có thể sử dụng những nền tảng này như một cách để đối phó với những gì đang diễn ra trong cuộc sống.

Vấn đề duy nhất là thế giới vẫn đang chờ đợi khi trẻ đóng ứng dụng. Tuy nhiên, vì muốn nhận được cảm giác tương tự khi sử dụng ứng dụng, trẻ có nguy cơ nghiện dùng nền tảng đó. Việc giới hạn thời gian trẻ em sử dụng các ứng dụng này có thể quan trọng hơn bao giờ hết. Cha mẹ cũng cần chú ý đến sức khỏe và tinh thần chung của trẻ.

Ban đầu, cha mẹ có thể đồng ý cho trẻ sử dụng mạng xã hội như một phần thưởng. Khi học tập chăm chỉ, đạt kết quả tốt, hoàn thành việc nhà, trẻ sẽ có thể chơi và sử dụng mạng xã hội trong một khoảng thời gian phù hợp. Khi đó, cha mẹ có thể cân nhắc xây dựng lộ trình giảm dần thời gian trẻ sử dụng mạng xã hội. Nhờ vậy, tránh tình trạng trẻ sử dụng phần thưởng trong thời gian quá lâu.

Ngoài ra, phụ huynh cần giúp con tập trung vào những gì quan trọng để giải quyết, như: Công việc, học tập... Tuy nhiên, nếu cứ tập trung vào việc lướt TikTok, trẻ sẽ không thể thực hiện được.

Ngược lại, nền tảng mạng xã hội này còn khiến trẻ phân tâm và sống không có mục tiêu. Để rèn luyện sự tập trung cho con, phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn với trẻ. Đồng thời, giúp con xây dựng những thói quen và nhịp sống lành mạnh. Từ đó, có cách tiếp cận mạng xã hội phù hợp khi lớn lên.

Cha mẹ cũng cần sắp xếp cho trẻ nhịp sinh hoạt đan xen giữa tĩnh và động. Tăng cường hoạt động ngoài trời để cuộc sống xung quanh trẻ trở nên hấp dẫn và thú vị hơn. Bởi, nghịch lý luôn là: Khi cha mẹ bắt đầu đi làm và kiếm tiền, đó là lúc Tik Tok xâm chiếm tâm hồn trẻ em nhanh nhất.

Theo CNN, Moms

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ