Từ lười giúp đỡ…
Với nhiều cha mẹ thì việc làm thay mọi việc cho con cái mình dường như là điều vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, việc nâng đỡ và làm thay con tất cả chẳng những không khiến con bạn thông minh tài giỏi hơn mà chỉ khiến bé ích kỷ, ỷ lại hơn mà thôi. Vì vậy, cha mẹ hãy để cho bé tự trèo lên hái quả và cho chúng được cảm nhận cảm giác giành được thành quả nó như thế nào sau những nỗ lực đến từ chính bản thân mình mà không phải nhờ đến người khác.
ThS Nguyễn Thị Lanh - Học viện Minh Trí Thành, hầu hết các cha mẹ đều không yên tâm về con của mình, nên thường đưa đón bảo vệ khỏi những tác động xấu ở bên ngoài. Từ đó, hình thành tính cách bị động cho con, khiến con sợ đi đâu đó một mình, luôn ỷ lại vào cha mẹ.
Tuy nhiên, hãy thử một lần để con tự đi bộ hoặc đi xe đến trường khi đủ khả năng. Dĩ nhiên, những ngày đầu tiên chúng ta vẫn rất lo lắng cho con nên không thể để con đi một mình. Thay vào đó, phụ huynh có thể đồng hành cùng con trong những ngày đầu hoặc giám sát con từ đằng sau.
Việc “lười” đưa đón con sẽ khiến bé tự lập và tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống. Trẻ sẽ không còn lệ thuộc vào cha mẹ hoặc sợ hãi nhiều điều trước cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên, lưu ý rằng, việc để con chủ động đến trường còn phụ thuộc vào lứa tuổi của con và môi trường thành phố hay nông thôn, trường xa hay trường gần… để áp dụng cho phù hợp.
ThS Nguyễn Thị Lanh nhấn mạnh rằng, khi mẹ lười giúp đỡ con trong những công việc cá nhân thì con sẽ rèn luyện được đức tính không ỷ lại. Ví dụ: Mẹ để bé tự nhặt đồ chơi của mình bày ra, tự đánh răng, mặc quần áo, tự làm bài tập của mình… Các bậc phụ huynh phải cho con thấy học là việc của con, giặt quần áo là việc của con, quét nhà là việc của con. Con phải có trách nhiệm với những công việc xung quanh cá nhân mình, cũng như gia đình.
Có thể tuần đầu con không chịu giặt quần áo, thì hãy để con mặc quần áo bẩn. Con không làm bài, bị cô mắng thì hãy cứ để con chịu trách nhiệm cho hành vi của con. Nhưng nếu chúng ta giúp đỡ thì con sẽ ỷ lại và sau này con sẽ không dám đối diện với khó khăn. Cứ gặp chút khó khăn là con sẽ tìm đến bố mẹ. Tất cả những việc con có thể tự làm được thì cha mẹ đừng làm thay con để cho con tự làm và độc lập hơn.
… đến lười trả lời thay
Làm việc thay con, trả lời thay con, quyết định, chọn bạn thay con đều là những việc cha mẹ cần xem xét lại nếu mong muốn con có tương lai tốt đẹp hơn. Việc dạy trẻ không phải là dễ, nhưng đôi khi gò ép khuôn mẫu, bắt con phải nói đúng như người lớn mong muốn, khiến con cảm thấy chán nản khi trò chuyện với người khác, cha mẹ đã vô tình tạo cuộc sống đầy căng thẳng, áp lực và thiếu tự tin cho con trẻ.
Có lẽ không ít trường hợp cha mẹ trả lời thay con trong cuộc sống hàng ngày. Đơn giản những câu hỏi của khách với con như: Cháu học lớp mấy, cháu ăn cơm chưa, cháu tên là gì... đều được cha mẹ “nhanh nhẹn” trả lời thay. Lâu dần, trả lời thay con đã trở thành thói quen của cha mẹ. Cũng chính điều này khiến đứa trẻ trở nên nhút nhát, ngại giao tiếp.
ThS Vũ Uyên Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ năng sống Hoa Hồng nhận định: “Từ khi con biết nói, cha mẹ đã có thể để con hoàn toàn tự chủ với ngôn ngữ của mình. Người lớn chỉ nên là người bạn đồng hành lớn tuổi để định hướng, chỉ bảo cho con điều hay lẽ phải, những điều nên làm và trong đó có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình và những người xung quanh. Việc cha mẹ cứ thường xuyên trả lời thay cho con khiến nó trở thành thói quen của cả hai”.
ThS Vũ Uyên Phương cho biết thêm, khi thói quen đã hình thành cho cha mẹ là luôn nhanh nhẹn trả lời thay con, đồng nghĩa với thói quen cho con là không trả lời những câu hỏi của người khác, chậm chạp hoặc thiếu tự tin, nói nhỏ, sợ sai. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy con tự lập và để con chịu trách nhiệm với hành động của mình, trong đó có cả việc “phát ngôn”. Tất nhiên, việc dạy dỗ cần tùy thuộc vào độ tuổi, nhưng con đã biết nói, thì hãy để con được nói.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên khuyến khích con nói lên ý tưởng của mình trong các cuộc trò chuyện cùng gia đình. Cho dù chủ đề là về chương trình truyền hình mà con muốn xem hay lịch trình hoạt động của cả nhà vào ngày mai. Việc bố mẹ cần làm chỉ là đưa ra một chủ đề mà con sẽ nói chuyện được cùng. Từ đó, con cái sẽ mở lòng hơn để giao tiếp tự tin trong nhà trước, rồi dần dần mới hướng đến các mối quan hệ rộng hơn.
Trong những cuộc nói chuyện đó, cũng nên để con được quyền đưa ra quyết định. Cha mẹ cần khuyến khích con đưa ra ý kiến của mình đối với những việc mà con cần làm hàng ngày. Kinh nghiệm về việc lên tiếng cho những hoạt động như vậy giúp con tự tin và bạo dạn hơn rất nhiều. Đồng nghĩa với việc, cha mẹ đã cho con cuộc sống tự tin, dám chịu trách nhiệm và tự làm chủ bản thân từ nhỏ.
“Có những cha mẹ thường xuyên lo lắng thái quá cho con của mình nên trong mọi tình huống họ thường giục con làm việc gì đó. Nhưng bạn hãy thử lười xem, kể cả là dạy con học, bố mẹ đừng nên thúc giục, ép chúng quá mức. Hãy để cho bé tự giác làm việc cần làm và khi bé không làm tốt sẽ có những bài học đích đáng khiến bé nhận ra rằng nếu mình không tự giác thì sẽ có hậu quả xảy ra”, ThS Lanh gợi ý.